ZingTruyen.Co

Thăng Long, đều nhờ người mà náo nhiệt

Chap 7: Cổ tích

Laam0110

  Ba người nghỉ lại tại một nhà trọ, có lẽ ở đây ít có người ghé qua nên phòng có hơi bụi, phải dọn dẹp qua mới ở được. Chủ nhà là một đôi vợ chồng già, chắc cũng hơn 70 tuổi rồi, rất mến khách. Hai người vì tuổi già nhàm chán mới mở nhà trọ này, mong mỗi khi có người ở lại căn nhà sẽ thêm tiếng nói cười chứ không phải mục đích kiếm tiền gì cả. Nghi nhớ rất kĩ câu nói của cụ ông, câu nói khiến cô thật sự ghen tỵ với tình cảm của họ, rằng "Chúng ta cũng bằng này tuổi rồi, kiếm thêm được thì lúc chết cũng không biết mang theo kiểu gì. Ngày trẻ bà nó muốn có con nhưng mắc bệnh không đẻ được, giờ mở nhà trọ thỉnh thoảng có người ghé lại trò chuyện cùng bà ấy cũng tốt."

  Ông bà ngày trẻ bị ép cưới ép gả, nhưng bên nhau đến già, sống một cuộc đời bình bình yên yên, một đời như vậy đã đủ hạnh phúc rồi.

  Buổi tối năm người quây quần trên chiếc chõng tre, tuy chỉ là món cháo giản dị nhưng cũng đủ ấm lòng. Ông bà Nghi mất từ khi cô còn nhỏ nên mỗi khi nhìn thấy người già cô đều thấy rất thân thuộc. Ăn xong ngồi uống nước chè, một mùi vị hơi chát nhẹ của lá chè xanh nhưng pha thêm ít ngọt của cam thảo, đúng là không gì sánh bằng một buổi tối như vậy. Đêm nay trời có hơi nóng, bà bê từ trong bếp ra năm bát gì đó, vì không có đèn nên rất khó nhìn kĩ bên trong là cái gì nhưng có một mùi thơm nhè nhẹ.

"Bốn ông cháu ăn ít trôi nước này, ta vừa nấu xong."

"A, con cảm ơn bà." Nghi đưa tay bê giúp bà khay đựng, đặt xuống chõng. Sau khi mời mọi người cô nếm miếng đầu tiên. Bánh trôi rất dẻo, thơm vị gạo nếp, bên trong là nhân đường chứ không phải nhân đậu xanh mà cô thường ăn. Đường tan tạo thành một vị thanh thanh hoà cùng bánh, hình như bà còn cho dầu chuối, rất thơm.

Chợt một bài thơ vang lên trong đầu, bài "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương.

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son."

Người xưa hay bảo tức cảnh sinh tình, thật tình không thể phủ nhận rằng chỉ cần cảnh đẹp thì con người khô khan đến mấy cũng có thể nặn ra vài câu từ mĩ miều được.

Trong những lúc thế này cô rất bí từ, hầu như không có chuyện gì để nói vì khoảng cách thế hệ khá là xa (mà xa thật, vài trăm năm chứ ít gì) khiến bầu không khí hơi yên ắng, cũng hơi ngượng ngùng một chút.

"Cháu nghe người dân nói ở đây sắp có lễ hội?" Hoàng Lục là người lên tiếng, giọng nói anh rất tự nhiên, không giống như người xa lạ, lại càng giống con cháu đang nói chuyện với ông bà của mình hơn. Mà quả nhiên có câu khởi đầu mọi chuyện tiếp theo đều dễ dàng, ông bà bắt đầu kể về lễ hội làng.

"Ừ, làng chúng ta có tục cuối tháng Giêng sẽ tổ chức lễ hội, quanh năm sống nương nhờ sông nước nên càng phải tạ ơn trời đất. Nếu các cháu muốn xem thì ngày mai có thể tới phía kia, đông vui lắm."

"Muốn đi không?" Anh quay sang hỏi cô, chỉ một câu ngắn nhưng lại khiến Nghi cảm giác họ đã thân thiết hơn một chút. Và câu trả lời thì đương nhiên là muốn rồi, chẳng mấy khi được trải nghiệm lễ hội làng kiểu này.

"Ta nhớ mấy năm trước còn tổ chức đấu vật, có lần còn thi nấu cơm, lớn bé đều thích dịp này. Ngày trước ta còn bé cũng rất thích tới xem, thoắt cái đã già cả, không đủ sức tới đó nữa. Xem bấy nhiêu năm cũng đủ rồi."

Giọng bà nhàn nhạt hơi khó nghe vì tuổi già. Đời người tưởng ngắn mà dài vô kể, lúc nghĩ còn dài thì lại ngắn đến đáng thương. Chớp mắt một cái mà cả đời mấy chục năm đã vội vã lướt qua. Đến với nhân gian bằng tiếng khóc, liệu có thể rời đi với nụ cười trên môi không?

Thấy cô thừ người không nói Hoàng Lục huých tay một cái hỏi "Sao vậy?"

"Không, tôi chỉ tự nhiên thấy đời người thật là ngắn."

Nghe xong câu này của Nghi, Hoàng Lục bụm miệng nín cười, hai ông bà thì bật cười thành tiếng. Ơ ơ này mọi người, đang tâm trạng mà, sao lại cười vui vẻ như thế.

"Haha, cháu vẫn còn nhỏ, đừng nói thế."

Nghi bị cười đến phát ngại đành đứng lên dời tầm mắt đi nhưng không để ý vành tai mình đang đỏ lựng hết lên. Có tiếng gọi từ xa "Bà Thân ơi..." giọng hơi cao, có lẽ là giọng trẻ con, tiếp theo đó là một loạt tiếng bước chân, rồi tiếng cười đùa. Một đám nhóc tì đầu ba chỏm chạy tới, một cậu bé bị vấp ngã nhào về lòng Nghi, cũng may cô nhanh tay đỡ được cậu, còn nhận được câu "Em cảm ơn" ngọt xớt. Đã bao lâu rồi cô không nghe tiếng trẻ con lễ phép như này nhỉ, lại nhớ lại... ôi, mình còn từng bị thằng nhóc lớp 2 không quen không biết chửi. Thật mất mặt.

Bọn trẻ ríu rít vây quanh bà, tiếng nói cứ hoà vào nhau thành thử chẳng nghe ra câu gì.

"Bà, bà kể lại sự tích tiên Giáng đi."

"Đúng rồi đúng rồi. Bọn cháu muốn nghe."

"Bà, bà kể đi."

Gương mặt bà thật hiền từ, nếu bà nội cô còn sống có phải bà cũng sẽ có dáng vẻ như vậy đúng không.

"Nào mấy cháu, gặp người lớn phải như thế nào đã." Bấy giờ bọn trẻ mới quay ra hai người chào một câu rõ to.

Cô để ý có một cô bé 5,6 tuổi gì đó cứ chớp chớp mắt nhìn Hoàng Lục. Aizzzz, mê trai khó bỏ lắm. Không biết do lớn lên nơi làng quê dung dị hay do tuổi nhỏ hồn nhiên, tụi nhỏ làm quen với cô và Hoàng Lục rất nhanh. Cứ nghĩ anh ta là người ít nói nhưng có lẽ Nghi nhầm rồi. Anh ấy nói chuyện với bọn trẻ rất tự nhiên, cũng biết cách nói đùa trêu chọc khiến cả đám cười phá lên. Bốn cậu nhóc và một cô bé. Chiếc chõng hơi nhỏ nên mấy nhóc tì bám hết cả vào hai người. Đứa ngồi lòng, đứa ôm cổ, đứa bá vai, nói chung cảnh tượng nhìn khá là mắc cười. Hai người lớn, 5 đứa trẻ ngồi nghe bà kể chuyện. Chất giọng khàn khàn của bà pha chút lơ lớ cổ xưa tạo nên một âm thanh khó quên. Trải nghiệm nghe người già kể chuyện vẫn là một cái gì đó thật đặc biệt mà con người ta có lớn đến thế nào đi nữa cũng muốn một lần được tận hưởng lại. Từ tận đáy lòng có gì đó rất háo hức, lâng lâng, mong giây phút này có thể kéo dài thêm một chút. Bà kể về vị tiên cai quản vùng đất sông nước này.

'Xưa kia có một cô gái tên Giáng Hoa, nhà nghèo cha mẹ mất sớm, từ nhỏ cô đã làm rất nhiều việc để kiếm sống. Năm 16 tuổi, cô làm thuê cho một nhà phú hộ trong làng. Trong nhà có người con trai tên Lương cũng xấp xỉ tuổi, gương mặt khôi ngô nhưng lại bị điếc. Hai người rất nhanh đã phải lòng nhau. Chàng trai cũng là một người giỏi giang, thỉnh thoảng còn giúp Giáng Hoa làm việc. Mối tình nhanh chóng bị vợ chồng phú ông phát hiện. Họ đưa ra cho cô gái một điều kiện, nếu tìm được hoa thiên thảo về chữa bệnh điếc cho con trai thì họ sẽ đồng ý mối hôn sự này. Nhưng Lương nhất quyết muốn đi cùng nàng, vì sợ đường xa đầy rẫy nguy hiểm, hơn nữa hoa thiên thảo là giống hoa quý, rất khó tìm được. Vợ chồng nhà giàu thấy không cản được con trai thì đành chịu, để hai người cùng nhau đi.

Trên đường, hai người gặp một cụ già đói rét, nàng đưa cho cụ hơn nửa chỗ lương thực mang theo, bảo rằng nàng từ nhỏ nhịn ăn quen rồi, ăn ít một chút cũng không sao. Chàng Lương vẫn nhất quyết nhường phần thức ăn của mình cho nàng. Lần thứ hai, họ gặp một đám cướp, muốn ức hiếp nàng. Chàng đồng ý lấy mạng của mình ra đổi. Nhưng đám cướp khi nghe xong câu nói của chàng thì cười lớn rồi biến mất, một cụ già râu tóc bạc xuất hiện, rằng trời đất cảm động cho tình cảm và tấm lòng của hai người, tặng hai người đoá thiên thảo. Nàng vui mừng mang hoa về, vừa chữa được bệnh cho chồng vừa được vợ chồng phú hộ yêu mến. Họ sống một cuộc sống bình yên, nàng thành người con gái hạnh phúc nhất làng.

  Nhưng mấy năm sau chiến tranh luân lạc, chàng Lương bị gọi đi tòng quân, lúc đi chàng chỉ dặn nàng một câu, rằng đợi chàng quay về. 5 năm, 10 năm, 20 năm, nàng đợi chồng tròn 20 năm. Bố mẹ chồng đã mất, chỉ còn nàng vẫn ngày đêm ngóng trông, đợi một người. Cho đến khi nàng mất đi, chỉ kịp để lại một câu, "Nếu chàng ấy quay về, nói với chàng, thiếp xin lỗi." Người dân cảm động vì tấm lòng của hai vợ chồng, lập một đền thờ cho hai vợ chồng, tôn làm thần, hằng năm lễ hội của làng Chãi chính là để cảm ơn hai người.'

Đó là một câu chuyện dài, Nghi chưa từng được nghe bao giờ, có lẽ đây chỉ là truyền thuyết của địa phương. Nhưng câu chuyện này có cốt truyện khá lạ, hầu như khác hoàn toàn so với mô típ truyện cổ tích cô từng đọc. Không có quá nhiều yếu tố thần tiên, ông bụt không phải người giải quyết nút thắt cho câu chuyện, mà lại tập trung nhất vào con người, vào tình cảm mà con người dành cho nhau, khiến người nghe phải suy ngẫm rất nhiều.

Có vẻ mấy nhóc này đã nghe câu chuyện rất nhiều lần rồi nhưng vẫn muốn nghe bà kể lại. Lúc bà dứt câu không khí lại rất im ắng như vừa thoát ra khỏi một cơn mộng mị. Rồi tiếng hò reo ầm ĩ "Hay quá" từ bọn trẻ, to đến mức thành chói tai. Bà đột nhiên ho một tràng, cũng đến giờ hai ông bà đi ngủ rồi, ông dìu bà vào trong nhà trong ánh mắt tiếc nuối của đám trẻ. Nhìn mấy cái mặt không biết che giấu cảm xúc mà đem mấy chữ như "Vẫn muốn nghe tiếp" viết hết lên trán khiến Nghi không khỏi buồn cười. Cô dùng giọng hoà hoãn hỏi.

"Ông bà phải đi ngủ rồi, chị cũng biết một vài câu chuyện, mấy đứa có muốn nghe không?"

Tiếng đồng thanh "Có" rõ to.

Nghi nghĩ một hồi, chọn lọc ra vài chuyện rồi bắt đầu kể. Kể từ "Tích chu", đến "Trí khôn của ta đây", rồi "Thầy bói xem voi". Tuy không phải truyện cổ tích nhưng đều là tác phẩm hay cả, cũng mang tính giáo dục khá cao. Mấy đôi mắt to tròn long lanh cứ nhìn chằm chặp cũng hơi áp lực, nhưng cũng rất vui vì có thể đem lại niềm vui cho chúng.

Nghe xong chuyện mấy đứa nhóc im lặng hẳn. Cô cười hỏi "Mấy đứa rút ra được gì sau khi nghe truyện không?"

  "Phải yêu thương mọi người ạ."

  "Phải hiếu thảo ạ."

  "Đúng rồi đấy, mấy đứa đều nói đúng, nhưng vẫn thiếu, làm người, tức là cả tri thức lẫn nhân nghĩa đều cần, thiếu một trong hai đều không được." Nghi cười cười bảo.

  Cả đám vẫn chưa muốn về nhà, Hoàng Lục bèn bày cho chúng một vài trò chơi khá lạ, hình như không phải trò chơi dân gian của Việt Nam. Nghi ngồi ngắm họ tự nhiên lòng lại trỗi lên cảm giác gia đình.

Không, không, không, Hạ Huyền Nghi, mày phải tỉnh lại, không thể để bản tính gà mẹ trỗi dậy được, kia chỉ là những người không quen không biết, mày chỉ là lướt qua đời họ thôi.

Gió thì hơi hiu hiu, lại thêm tiếng nô đùa cứ quanh quẩn bên tai, là sự hoà lẫn giọng nói vẫn còn rất non nớt, đặc sệt con nít và âm thanh kiên nhẫn, trầm ấm của người con trai kia, giống như một liều thuốc mê, không hiểu sao khiến người ta thấy rất yên bình. Ý thức dần trở nên mơ màng, rồi dường như không nhớ được gì nữa.

  Tỉnh lại lần nữa, không ngờ lại tỉnh trên vai của người ta. Mọi âm thanh đều không còn, xung quanh chỉ là khung cảnh làng quê đơn sơ đã chìm vào giấc ngủ từ lâu. Cô vẫn còn đang mơ ngủ, càng nghĩ càng thấy có gì không đúng. Mình ngủ quên à? Mình ngủ bao lâu rồi? Mình đang dựa vào đâu ngủ vậy? Hàng tỉ câu hỏi phun trào nhưng không, trọng điểm là... the f***, nước miếng chảy tùm lum trên áo người ta. Có nên giả ngủ tiếp không, hay coi như không có gì mà chuồn vào phòng.

  "Em tỉnh rồi à?"

  "Ha... ha, tôi lỡ ngủ quên, thật xin lỗi. Bây giờ là canh mấy rồi?"

  "Đã sang giờ Tý rồi. Vào trong nhà đi bây giờ lạnh lắm."

  "Cảm ơn."

  Chớp được thời cơ là chuồn luôn chứ gì. Nghi chạy biến đến bụi cũng không kịp bay lên, một mạch vào trong nhà không quay đầu lại.

  Hoàng Lục không vội, vẫn ngồi trên chõng ngắm trời sao, không biết đang nghĩ gì. Nhưng khi nãy cô ấy ngủ có nói mớ, bằng một loại ngôn ngữ kì lạ nào đó mà hắn chưa gặp bao giờ. Xem ra cô ấy cũng không phải một dân nữ bình thường. Một bóng đen lướt qua, Bính đi đâu nãy giờ quỳ dưới chân, nói gì đó.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Co