ZingTruyen.Info

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học

NLVH: Những mở bài hay THPTQG

DPPhuongdinh

NHỮNG MỞ BÀI CỰC CHẤT ☺
VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI
MB1: Trong quá trình sáng tác nghệ thuật của mình, mỗi người nghệ sĩ đều có một
không gian nghệ thuật của riêng mình. Nếu nhà thơ Hoàng Cầm, cả một đời đắm
đuối trong không gian Kinh Bắc đầy thơ và mộng, nếu Nguyên Ngọc Nguyễn Trung Thành luôn trải lòng cùng bạn đọc qua không gian Tây Nguyên đậm chất sử thi, Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn Huế và viết về Huế bằng tất cả tình cảm, tình yêu của mình thì Tô Hoài – nhà văn một thời của trẻ thơ lại chọn cho mình không gian nơi dẻo cao Tây Bắc để đến, để sáng tác. Một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Tô Hoài nằm trong không gian nghệ thuật này không thể không kể tới đó là "Vợ chồng A Phủ".
MB2: Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại VN với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục.Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông .Tác phẩm có một giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể . Truyện viết về cuộc sống của người dân lao động vùng núi cao, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân phong kiến miền núi . Đặc biệt truyện đã xây dựng thành công nhân vật Mị , qua đó ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng và khả năng đến với cách mạng của nhân dân Tây Bắc.
MB3: Tô Hoài từng tâm sự: "Đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể nào quên, tôi không thể bao giờ quên được..." Người đọc vẫn thường tự hỏi tại sao Tô Hoài lại có những khoảng nhớ thương nhiều như vậy dành cho mảnh đất và con người Tây Bắc, để rồi trong những tác phẩm của mình, ông viết về Tây Bắc về những con người nơi đây bằng những câu chuyện thật cảm động. Một trong số những truyện ngắn tiêu biểu đưa Tô Hoài trở về cùng niềm thương nỗi nhớ mang tên Tây Bắc không thể không kể tới đó chính là truyện ngắn: "Vợ chồng A Phủ".
MB4: Nếu chỉ dừng lại ở tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà văn Tô Hoài đã rất nổi tiếng, đã làm được cái việc mà như nhà văn Nam Cao nói là "để đời" đối với sự nghiệp của bất cứ người cầm bút nào. Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài không dừng lại ở chú "dế mèn" mà còn đi xa hơn. Nếu tính từ năm 1951- khi nhà văn Nam Cao ra đi, thì nhà văn Tô Hoài có may mắn hơn người bạn thân thiết của mình ít nhất hơn 50 năm viết. Ra đi ở tuổi 95, ông đã để lại cho đời hơn 100 đầu sách. Nếu chỉ tính về mặt số lượng thì mấy ai làm được như ông? Còn nói về khía cạnh nghệ thuật, bảo rằng Tô Hoài đi được xa hơn cũng chính bởi khi nghĩ đến ông, người ta cũng nhớ ngay tới tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" - truyện ngắn đã được dựng thành phim và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã cống hiến.

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG –
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
MB1:
Sông Hương – Khúc hát tình ca của Huế. Nói đến sông Hương nhiều người hình dung dòng sông êm ả, thơ mộng nơi cây cầu Trường Tiền hay thành quách, đền đài, chùa miếu cổ kính soi mình. Nhưng còn có một sông Hương rất khác nhìn từ cội nguồn Trường Sơn, với những cụm rừng già nguyên sinh hoang sơ xanh ngút ngàn bên dòng nước nơi giang đầu xanh biếc. Và cũng có một sông hương "nồng nàn" và khao khát đến vậy khi được về gặp lại thành phố của riêng mình. Hình như, người nghệ sĩ nào khi biết tới dòng sông này đều như lẽ tự nhiên mà dành cho nó nhiều tình yêu đến vậy. Huống hồ, một người yêu Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong những tác phẩm của mình cứ nhắc mãi về dòng Hương. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của người nghệ sĩ này chính là ký: "Ai đã đặt tên cho dòng sông"...
MB2:
Ai đó đã từng nói rằng: "Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ, giống như cuộc đời của mỗi con người, có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo". Vâng! Dòng sông để thương để nhớ của mỗi người rất khác nhau. Nếu như Văn Cao cả đời gắn liền với dòng sông Lô hùng tráng, nếu Hoàng Cầm là nỗi nhớ khi ta đi ngang qua "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh", nếu Hoài Vũ cả đời gắn liền với con sông Vàm Cỏ tha thiết chở Phù Sa thì HPNT lại song hành cùng sông Hương đi vào trái tim độc giả qua ký: "Ai đã đặt tên cho dòng sông."
MB3:
Đã có biết bao nhiêu người nghệ sĩ viết về sông Hương bằng tình cảm yêu thương và trân trọng của mình. Tôi vẫn còn nhớ những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn khi viết về dòng sông này:
" Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"
Tôi lại tự băn khoăn hỏi mình, có khoảng không gian để đó chiều dài của nỗi nhớ thương gửi về dòng Hương muôn đời lững lờ trôi, e ấp nơi thành phố Huế. Rồi lại phải tự ôm trọn vào mình nhưng cảm xúc luyến lưu khi tới thành phố này. Có một nhà văn, cũng yêu Huế bằng tất cả tình yêu chân thành như thế, viết về Huế xuất phát từ trái tim mình. Không ai khác, đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường với ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông".

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TU N
MB1: Tôi còn nhớ Nguyễn Tuân – với sự kính trọng, cảm phục. Ông luôn tâm niệm, đã chọn nghề viết, là không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ chuyển động nào của lịch sử. Cũng xuất phát từ cái tâm đó mà người nghệ sĩ này đã để lại cho văn đàn Việt Nam biết bao tác phẩm hay. Tháng Tám – mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài. Ông không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong "Đường vui", "Tình chiến dịch"... Trong sự nghiệp sáng tác của mình, cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám, ông đều để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như "Vang bóng một thời", "Tuỳ bút I", "Thiếu quê hương", "Chiếc lư đồng mắt cua", "Tóc chị Hoài", "Đường vui", "Tình chiến dịch", "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"... và không thể không kể tới tùy bút "Sông Đà" – những áng văn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc bởi nó mang phong cách uyên bác, tài hoa, độc đáo và một giọng văn rất riêng của người nghệ sĩ này.
MB2: Kể cả trước đây và mãi sau này, những người nghệ sĩ cứ hát mãi khúc ca về những dòng sông. Hoàng Cầm hát về sông Đuống " nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ", Văn Cao hát về sông Lô với điệu hồn hùng tráng, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đưa sông Hương vào những điệu hồn êm dịu. Một nhà văn độc đáo như Nguyễn Tuân cũng hát – hát về sông Đà – bằng tất cả sự hiểu biết, tình cảm, tâm tư. Tùy bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế năm 1958 của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ phác thảo. Nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh vật và con người Tây Bắc, đặc biệt nhà văn đã khám phá "chất vàng mười" đã qua thử lửa của vùng đất này. Tùy bút Sông Đà tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám: uyên bác, tài hoa, tìm cái đẹp từ cuộc sống hiện tại của nhân dân lao động.
MB3: Nguyễn Tuân đã từng chọn câu của Paul Morand làm đề từ cho tác phẩm "Thiếu quê hương" của mình : "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc va ly", Nguyễn Tuân dứt khoát khẳng định: "Đứng về phương diện một người lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống" thì "không gì thiệt thòi bằng trung thành với một chỗ ở". Trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân, khi tìm hiểu về những tác phẩm của ông, có thể nhận ra một điều đó là 2 nội dung chi phối trong những tác phẩm của ông đó là " hoài cổ và xê dịch", ông ham đi, luôn luôn muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ. Cũng chính vì nguyên cớ này, năm 1958, Nguyễn Tuân đã lên đường, ngược về vùng núi cao Tây Bắc, để "gặp, làm quen, hiểu và viết" về sông Đà. Chuyến đi thực tế này được ông ghi lại một cách "tuyệt đẹp" qua tùy bút "Sông Đà". Để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh ông lái đò sông Đà qua thiên tùy bút này.

VIỆT BẮC – TỐ HỮU
MB1: Có một nhà thơ đã từng tâm sự: "Tôi phải lòng đất nước và nhân dân của mình" đã viết về đất nước, về nhân dân của mình như nói với người đàn bà mình yêu. Có một nhà thơ cũng đã từng khẳng định: "Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình" và gắn cả cuộc đời của mình với cuộc đời cách mạng, nhà thơ đó không ai khác ngoài Tố Hữu. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Tố Hữu đã để lại cho văn đàn Việt Nam rất nhiều những áng thơ hay, một trong số đó không thể không nhắc tới đó là bài thơ Việt Bắc. Việt Bắc – khúc tình ca chính trị, được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đời thơ Tố Hữu.
MB2: Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng triết lý: "Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Và có một mảnh đất tình người đã hóa thân thành hồn thành nỗi nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi. Đó là mảnh đất Việt Bắc ân tình – quê hương của kháng chiến, quê hương của những  con người áo chàm nghèo khó mà "đậm đà lòng son" khiến ai đã từng đặt chân đến nơi đây cũng phải bồi hồi, xao xuyến . Mảnh đất ấy đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ, thành cảm hứng cho thơ ca. Và có một bài thơ đã ra đời vì mảnh đất yêu thương nghĩa tình ấy – đó là bài thơ Việt Bắc của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

MB3: Tố Hữu đã  từng nói : "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy", chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca đã trào ra bao nỗi nhớ thương vô vàn. Việt Bắc chính là những rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Bài thơ là kết tinh, là di sản của "mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng" giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình – chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.
SÓNG – XU N QUỲNH
MB1: Trong khoảng trời văn học của tình yêu, nếu ta từng bắt gặp Nguyễn Bính say khướt trong niềm nhớ, nha thơ chân quê đã uống cả một trời quan tái:
'Chiều nay...thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!
Thì Xuân Quỳnh lại như rơi vào "bể tình yêu" , đắm say trong không gian ngập tràn cảm xúc cháy bỏng, nồng nàn cảm xúc tình yêu qua một thi phẩm mang tựa đề giản dị - "Sóng" . Với Xuân Quỳnh, "Sóng" là cả một bầu trời tâm tư , tình cảm là tất cả sự cháy bỏng và rạo rực nhất của trái tim tình yêu.
MB2: Nhà thơ Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình Việt Nam đã từng viết trong thi phẩm của mình:
" Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết..."
Khi đọc những vần thơ này, tôi lại tự bồi hồi hỏi lòng chẳng rõ, rằng tình yêu là gì mà khiến cho hàng triệu triệu con người trên thế giới này cứ quyến luyến, đắm say. Đối với tình yêu, những người bình thường như chúng ta còn đượm nồng rung động huống chi những người nghệ sĩ – những con người luôn mang trong mình những tế bào cảm xúc nhiều hơn. Trong văn đàn Việt Nam, có rất nhiều nhà thơ viết về tình yêu như Xuân Diệu, Nguyễn Bính,... thế nhưng, lại bắt gặp một điệu thơ tình rất lạ khi đến với thơ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh viết nhiều, viết rất hay về tình yêu, tiêu biểu nhất trong những sáng tác ấy là bài thơ: "Sóng".
MB3: Trong lồng ngực của mỗi người trẻ, trái tim vẫn còn mãi ngân rung hát những khúc ca của tình yêu tươi xanh. Chiều nay, tôi ngang qua một quán cà phê cũ, lục lại tất cả những kỷ niệm về mối tình vừa thoáng bay đi trong phút chốc, rồi chợt nhớ người. Những rung cảm của mối tình đầu vẫn khiến trái tim tôi hay yếu lòng đến vậy, rồi lại tự hỏi mình: "Người đang ở nơi nao?" Tôi rất thích đọc thơ tình trong những tháng ngày cô đơn chọn tôi làm bạn, không phải vì tôi đang cố gắng trốn tránh sự thật mà chỉ bởi những vẫn thơ ấy vẫn luôn làm tôi luyến lưu. Hôm nay tôi chọn đọc " Sóng" – chọn đọc về một khúc ca tình yêu của một "cô gái 25 tuổi" tràn đầy nhiệt huyết.

VỢ NHẶT – KIM L N
MB1: Ai đó đã từng nói rằng: "Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả lại sau lưng" bởi nói như nhà văn Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hy sinh. Ở đời, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để vượt qua những ranh giới đó." Đọc "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân , ta thêm một lần nữa hiểu sâu sắc hơn về chân lý này.
MB2: Trong nền văn học Việt Nam, Kim Lân được đánh giá là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Tác phẩm "Vợ nhặt" là một "kiệt tác" của văn học hiện thực Việt Nam, tái hiện thành công xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Bằng bút pháp tả thực Kim Lân đã xây dựng thành công tuyến nhân vật đại diện cho cuộc sống bần cùng giai đoạn đó.
MB3: Còn nhớ sinh thời tác giả của Bỉ vỏ - nhà văn Nguyên Hồng từng "phán" về đồng nghiệp của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thuỷ" của cuộc sống nông thôn. Quả thật không chê vào đâu được lời "truyền thần" ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của Kim Lân qua những tác phẩm của ông đã để lại rất nhiều những ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, và càng chứng minh nhận định của nhà văn Nguyên Hồng không thể bỏ đi từ nào được. Đọc "Vợ nhặt" tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, ta càng hiểu rõ và thấm nhuần hơn điều này.

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT –
LƯU QUANG VŨ
MB1: Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỷ XX. Ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Kịch của Lưu Quang Vũ đặc sắc trên nhiều phương diện: sự hấp dẫn của kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu, sự kết hợp giữa tính hiện đại và với các giá trị truyền thống, sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, bay bổng. Đáng chú ý nhất trong số những sáng tác của Lưu Quang Vũ là vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". (ghi thêm yêu cầu của đề bài).
MB2: "Hồn Trương Ba da hàng thịt" là một trong những vở kịch xuất sắc nhất trong sự nghiệp cầm bút của Lưu Quang Vũ. Vở kịch hấp dẫn lôi cuốn người đọc bởi những xung đột kịch; những giằng xé mãnh liệt trong nội tâm nhân vật chính – nhân vật Trương Ba. Qua đó ngòi bút Lưu Quang Vũ đã tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách cũng như phê phán tình trạng con người sống giả tạo, sống không được là chính mình. Tất cả những ý nghĩa ấy đã được Lưu Quang Vũ cô đọng một cách chân thực và sống động qua đoạn trích (hoặc ghi theo yêu cầu của đề bài).
ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM
MB1: Hiếm có một giai đoạn văn học nào mà hình ảnh Tổ quốc – Dân tộc – Đất nước lại tập trung cao độ như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tố Hữu với "Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!" (Vui thế hôm nay), Chế Lan Viên với "Sao chiến thắng", Lê Anh Xuân từ hình tượng anh giải phóng quân đã tạo nên "Dáng đứng Việt Nam". Và Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với Tổ quốc qua "Đất Nước" – một chương thơ trong trường ca "Mặt đường khát vọng". Chương thơ đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại "Đất nước của nhân dân". Tư tưởng ấy được thể hiện đậm nét qua đoạn thơ sau: (Ghi đoạn thơ đề bài cho vào).
MB2:
"Có mối tình nào  hơn
Tổ quốc?"
(Trần Mai Ninh)
Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng và cảm hứng nồng nàn về Tổ Quốc – các nhà thơ – chiến sĩ đã để lại cho núi sông này biết bao vần thơ đẹp về con người, đất nước Việt Nam. Nếu các nhà thơ khác cùng thời thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị, mộc mạc gắn liền với mỗi con người như máu thịt, như hơi thở. Đất nước ấy tắm đẫm trong hương liệu văn hóa dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – tư tưởng "Đất nước của nhân dân".


CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA – NGUYỄN MINH CH U
MB1: Chân lý là sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan trong bộ óc con người. Vì vậy chân lý sẽ phát triển cùng nhận thức của xã hội. Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên và cũng có những chân lý được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược. Từ những đúc kết ấy Nguyễn Minh Châu đã mang người đọc đến những chân lý mà ông đã gửi gắm trong truyện Ngắn chiếc thuyền ngoài xa.
MB2: Một trong những cái tên nổi tiếng của làng văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới chính là Nguyễn Minh Châu. Ông được coi là người "mở đường tinh anh và tài năng nhất". Trước năm 1975, ông là một cây bút sử thi lãng mạn, viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên, sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức, và triết lý chân thực. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy là 'Chiếc thuyền ngoài xa'.
T Y TIẾN – QUANG DŨNG
MB1: Trong vườn hoa của thơ ca kháng chiến chống Pháp, Tây Tiến được xem là bông hoa đầu mùa vừa đẹp lại vừa lạ. Bông hoa ấy được nở ra từ hồn thơ phóng khoáng và tâm huyết, một tiếng thơ tinh tế và lãng mạn. Đó chính là người nghệ sĩ tài hoa – nhà thơ của "xứ Đoài mây trắng" – Quang Dũng.
MB2: Có những "bài ca không bao giờ quên", cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong ký ức. Cùng với khí thế sôi sục của những năm mưa bom bão đạn, văn học, với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách sống động tượng đài của những chiến sĩ anh hùng kiên trung. Để ngày hôm nay lòng ta không khỏi bùi ngùi xúc động khi đọc lên những câu thơ bất hủ trong áng thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. 
MB3: Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét và bài thơ Tây Tiến : "Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến". Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.
RỪNG XÀ NU – NGUYỄN TRUNG THÀNH
MB1: Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ và mãi "vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không chấp nhận cái chết". Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành vẫn mãi vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh hình tượng con người Xô Man anh hùng thì còn có hình tượng cây xà nu – một loài cây mang sức sống hoang dại mãnh liệt bất chấp sự hủy diệt của tội ác kẻ thù. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trung Thành về sức sống của con người, nhất là con người Tây Nguyên kiêu hùng bất khuất.
MB2: Nguyễn Trung Thành là nhà văn đã sống và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính mảnh đất và tình người nơi đây đã phả hồn vào những trang viết của nhà văn và để lại dấu ấn sâu đậm qua: "Đất nước đứng lên" và "Rừng xà nu". Trong số đó, "Rừng xà nu" được xem là một khúc hùng ca – một "Bản hịch thời đánh Mỹ". Tác phẩm có kết cấu độc đáo – truyện lồng truyện, truyện của cuộc đời những cánh rừng xà nu quyện hòa vào cuộc đời của nhân vật chính – Tnú. Tất cả tạo nên một đội ngũ trùng điệp, bất tận về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn của dân tộc. Ấn tượng sâu đậm nhất, khắc sâu nhất trong tác phẩm này chính là hình tượng nhân vật Tnú – một nhân vật mang tầm vóc sử thi của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên anh hùng. (Hoặc hình tượng rừng xà nu nhé).
MB3: Tây Nguyên là mảnh đất nắng gió bao la, nơi đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Mảnh đất sản sinh văn hóa cồng chiêng và bao pho sử thi đồ sộ như Đam Săn, Xinh Nhã, Xinh Bia... Mảnh đất ấy cũng từng kinh qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và để lại bao dấu ấn đẹp đẽ qua bao trang văn, trang thơ. Trong số những sáng tác về mảnh đất và con người nơi đây phải kể đến "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965 và nhanh chóng trở thành một khúc hùng ca bi tráng, thiêng liêng – một "Bản hịch thời đánh Mỹ". Người đã dệt nên bản anh hùng ca ấy chính là hình tượng nhân vật Tnú – con người tiêu biểu cho chân lý cách mạng ngời sáng mà cụ Mết đã truyền dạy "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo".

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info