ZingTruyen.Asia

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học

Văn 12: Những góc nhìn mới mẻ về Chiếc thuyền ngoài xa

DPPhuongdinh

Những góc nhìn mới mẻ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (PGS. TS Đặng Thu Thuỷ)


Nguyễn Minh Châu viết xong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa tháng 8 năm 1983. Câu chuyện đã xa cách chúng ta đã hơn 30 năm, khoảng thời gian đối với mỗi đời người cũng là đáng kể. Hơn 30 năm, đã có biết bao biến thiên trong đời sống xã hội, nhưng những vấn đề mà câu chuyện đặt ra không phải đã hết tính thời sự, thậm chí còn rất thời sự; nó không phải cái "đã là" mà là cái "đang là", là những chuyện hôm nay của chính chúng ta.

1. Chất đời từ góc nhìn xã hội

Đọc Chiếc thuyền ngoài xa, nhiều người đã e ngại vì những vấn đề xã hội mà nó đặt ra. Hình như toàn một gam màu xám. Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! Cuộc sống bấp bênh, khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình: chồng đánh đập vợ tàn nhẫn, con đánh bố, thậm chí còn có ý định giết bố; sự bất lực của công lí, pháp luật và cả đạo đức, nguy hiểm hơn là tình trạng bế tắc, không lối thoát... Đây là lí do để một số người cho rằng Nguyễn Minh Châu có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về đời sống.

Bức tranh hiện thực kém phần tươi sáng này là kết quả của một sự quan sát, chiêm nghiệm về đời sống của một nhà văn "mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người". Tình yêu ấy, với ông "vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình". Nguyễn Minh Châu đã nhìn sâu vào hiện thực, xuyên qua màn sương mờ ảo, đẹp đẽ, mộng và thơ để nhìn ra cái thực, không ảo, không thơ, "phát giác sự vật ở cái bề chưa thấy, ở cái bề sau ở cái bề sâu ở cái bề xa" (Chế Lan Viên). Quan niệm về hiện thực phức tạp, đa diện, về cuộc đời đa đoan đa sự là quan niệm rất đáng chú ý của nhà văn ở thời điểm đó. Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra, đang là sự tương tác giữa những cái có lí và phi lí, những tất yếu và ngẫu nhiên. Bao nhiêu nghịch lí đời sống đã được phơi bày trong truyện ngắn của ông.

Cuộc sống trên mặt đất và cuộc sống trên sông nước; bình yên và bão tố; nơi có cơm ăn áo mặc và nơi chỉ có xương rồng chấm muối; nơi có công lí, pháp luật điều hành và nơi chỉ có luật lệ của tự nhiên, của sông nước; một người trưởng phòng thông minh muốn có tờ lịch tĩnh vật hoàn toàn nhưng thực tế thì hình ảnh con người lại không thể tước bỏ; một nghệ sĩ săn được một cảnh biển và thuyền đẹp toàn bích thì chính từ đó lại hiện ra một cảnh tượng vô cũng xấu xí, đằng sau cái đẹp mơ mộng thi vị là những nhọc nhằn, đau thương của kiếp người; người đàn bà xấu xí lại là mẹ của một cô gái xinh đẹp; người nghệ sĩ chuyên sáng tạo nghệ thuật lại có nắm đấm rắn sắt ra trò đối với gã đàn ông vũ phu; người đàn bà bị chồng đánh đập hành hạ vô lí nhưng không muốn từ bỏ ông ta, người là nạn nhân lại luôn nghĩ mình là tội nhân, là nguyên nhân gây ra đau khổ (cái lỗi chính là đám đàn bà trên thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật); đứa con muốn bảo vệ mẹ thì lại trở thành đứa con bất hiếu; người mẹ muốn bảo vệ con, thương yêu con nhất mực thì lại trở thành nỗi đau, nỗi lo âu khắc khoải của đứa con; cái đẹp hiện hình ngay trong những nhọc nhằn thô kệch; những người nhân danh công lí, tình thương, muốn đem lại công bằng cho những kiếp nạn đau khổ lại chính là những người được giáo hoá bởi những lí lẽ của cuộc đời phàm trần. Từ đây, họ mới vỡ lẽ ra những chân lí tưởng chừng là nghịch lí của đời sống: "Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc... Là bởi các chú ko phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một cái thuyền ko có đàn ông... cũng có khi biển động sóng gió chứ... đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ ko thể sống cho mình như ở trên đất được". Cái lí lẽ của người đàn bà từng trải khiến cho những người như Phùng, như Đẩu từ bỏ cái nhìn duy lí về cuộc đời và con người, từ bỏ những ảo tưởng về sự thay đổi dễ dàng cuộc sống của người dân khi được cách mạng giải phóng (không phải cứ bỏ chồng thì cuộc đời người đàn bà sẽ sáng sủa hơn: "Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu! Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!". Cái nghịch lí lớn nhất là: chúng ta có độc lập tự do nhưng chưa có đủ hạnh phúc cho con người. Chừng nào, con người còn phải chật vật vì miếng cơm manh áo, chừng nào vấn đề về cái đói và miếng ăn còn là mối lo lắng hàng đầu; chừng ấy, cái đẹp và những giá trị nhân văn còn có nguy cơ bị suy kiệt. Nhà văn viết về hiện trạng ấy với một mối lo âu và hoài nghi nặng trĩu: chúng ta giải quyết nỗi lo âu ấy chỉ bằng thiện chí thì bao giờ những số phận bi kịch ấy mới tìm được lối thoát? Liệu rồi đây, thằng Phác có trở thành một người đàn ông như bố nó, chị nó có trở thành một người phụ nữ như mẹ nó, nhà nhiếp ảnh có phải quăng đi máy ảnh? Niềm vui bé mọn, ngỡ như tầm thường của người đàn bà (vui khi nhìn đàn con được ăn no) mới xót xa làm sao! Câu chuyện kết thúc bằng sự vỡ lẽ, giác ngộ của Phùng và Đẩu (sau khi nói chuyện với người đàn bà), và cũng chỉ dừng ở đó. Chiều hôm ấy, Đẩu lại kiên trì và thiện chí, đi gặp lão chồng bà ta để giáo dục răn dạy lão. Có lẽ, Đẩu cũng không làm gì hơn thế được. Những người tốt như Phùng, như Đẩu không thể giúp cho người đàn bà kia và nhiều người đàn bà khác được sống tốt hơn. Phùng còn bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh người đàn bà như đang bước ra khỏi tấm ảnh, "Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông". Bà ta lại chìm lẫn trong cái đám đông khốn khó, nheo nhóc, như chẳng thể nào khác được. Muốn cho người ta sống cho ra con người, phải tạo ra cho họ một hoàn cảnh sống nhân đạo hơn. Tư tưởng này, Nam Cao đã trình bày từ rất sớm. Nguyễn Đình Thi cũng có lần nói: Thế nào là một xã hội nhân đạo? Một xã hội nhân đạo là một xã hội làm cho con người ta không còn đói nữa, bởi khi đói, con người nó sẽ nhe răng ra cả với nhau. Một cá nhân không thể làm được điều này. Đó là trách nhiệm của cả xã hội. Đấy cũng không chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua mà còn là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, cũng không phải chỉ trên dải đất này. Nguyễn Minh Châu có lần viết: khi bước ra khỏi một cuộc chiến tranh, con người ta cũng phải có đầy đủ nghị lực và bản lĩnh như khi bước vào một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù để giành lại độc lập tự do đã kết thúc, nhưng cuộc chiến với đói nghèo, bạo lực và tăm tối thì vẫn đang tiếp tục với rất nhiều gian khó.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo âu khắc khoải, mối quan hoài sâu sắc của Nguyễn Minh Châu về thân phận con người, vẫn thấy niềm tin và tình yêu - cái lẽ khiến ta có thể tiếp tục sống và hy vọng.

Nguyễn Minh Châu là thế, bao giờ, khi nào cũng chan chứa yêu thương. Suốt đời, ông luôn kiên trì trên hành trình đi tìm "cái hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người". Trước năm 75, ông đi tìm cái đẹp ấy trong chiến tranh, ông say mê biểu dương những vẻ đẹp lí tưởng, hoàn hảo; sau năm 75, ông đi tìm và phát hiện những hạt ngọc lẫn trong đất bụi đời thường- những cái đẹp nhiều người dễ dàng bỏ qua hoặc khó lòng thấy được. Ngoại trừ vẻ đẹp của thiên nhiên, tất cả những con người khốn khổ, xấu xí, thô kệch kia, dường như chả có gì đẹp cả. Nhà văn luôn lo lắng, đau đớn trước sự mai một của tính người, nhưng ông cũng luôn tin vào sự tồn tại mãnh liệt của nó. Nhân vật người đàn bà hàng chài đã mang lại rất nhiều cảm xúc trái chiều cho độc giả. Bà ta đáng thương hay đáng giận? Bà ta ngu ngốc, nhu nhược, cam chịu một cách mù quáng? Khổ thế, trách gì ai được? Đấy là cảm xúc của nhiều người khi đọc truyện ngắn này. Nhưng thực ra, người đàn bà ấy sâu sắc, trải đời hơn chúng ta. Bà ta là người trong cuộc nên thấu hiểu sâu sắc tình cảnh của mình. Lí lẽ của người đàn bà ấy là lí lẽ của đời sống, lí lẽ của trái tim. Bà ta hiểu rằng mình không thể đơn độc mà sống, nhất là khi bà ta lại có cả một đàn con. Bà ta không những không lên án, không oán hận người chồng vũ phu mà còn hàm ơn lão ta, bênh vực, cảm thông cho lão, thấu hiểu cái gốc thiện và căn nguyên của sự tha hóa của lão với tất cả sự bao dung, vị tha. Sự quảng đại của người đàn bà thô kệch, thất học thật đáng cho chúng ta phải suy ngẫm. Trước đó nhiều năm, trong một truyện ngắn của mình, Nam Cao đã viết: Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất (Lão Hạc). Ở đây, người đàn bà hàng chài đã vượt lên trên cái lẽ thông thường đó. Bà ta còn chấp nhận chịu đòn như là một cách để chia sẻ nỗi khổ cực, uất ức, dồn nén của chồng. Lớn hơn tất cả là tình thương yêu đối với những đứa con. Vì con mà bà ta có thể chịu đựng, hy sinh tất cả. Chỉ khi nhắc đến con, khuôn mặt xấu xí của mụ mới "ửng sáng lên như một nụ cười". Tại sao để có được nụ cười, niềm vui lại khó khăn làm vậy? Hạnh phúc thật thật mong manh, khó với!

2. Từ góc nhìn sinh thái

Sự khắc nghiệt của tự nhiên, những tàn dư của chiến tranh, sự đói nghèo... chính là kẻ thù của nhân tính.

Con người sống giữa thiên nhiên, thiên nhiên là môi trường sống. Biết bao lần Phùng đã ngất ngây, đắm đuối, ngỡ ngàng trước cái đẹp hoang sơ, kì diệu, mộng mơ của tạo hóa. Cái vùng đất cách Hà Nội có hơn 600 km nhưng dường như chưa hề, chưa từng có sự can thiệp của bàn tay con người, tất cả đều thiên nhiên, thiên bẩm lắm. Con người sống tựa vào tự nhiên, tự nhiên là nguồn sống. Trời thương thì sống, trời bỏ thì chết. Biển yên thì nhà yên. Biển nổi giận thì bão táp mưa sa cũng dội vào từng gia đình thuyền chài. Con người sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, sống hay đơn thuần chỉ là sự tồn tại. Họ được sinh ra, lớn lên, ăn, ở, đi lại, rồi lại sinh đẻ... một cách rất bản năng. Những chiếc thuyền chài "chỉ liên kết với nhau chỉ trong một đêm hoặc một ngày chứ không lâu. Thường thường mỗi thuyền là một gia đình, ngoài thuyền lớn còn có một vài chiếc mủng để đi lại. Cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào".

Cộng sinh để tồn tại, để chống lại những cơn giận dữ của thiên nhiên, ấy là quy luật, là cách ứng xử không thể khác của họ. Người đàn bà hàng chài nhất quyết không bỏ chồng- gã đàn ông 'man rợ, tàn bạo' bởi cái lẽ: "đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa". Kẻ yếu thì phải dựa vào kẻ mạnh. Cái uy vũ của con thú đầu đàn có thể khuất phục tất cả những con thú khác. Nhà văn miêu tả gã chồng vũ phu đầy một vẻ hoang dã: "Tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ...", hắn chẳng khác nào một con thú lớn: "tảng lưng khum khum và vạm vỡ..., nom lão như một con gấu đang đi tìm nguồn nước uống, hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng" (Hình ảnh chiếc thuyền vó bè (chắc hẳn của gã đàn ông kia) không thèm vào bờ trú ngụ, ngang tàng chống chọi với sóng gió phong ba, mặc kệ biển gào thét, sóng bạc đầu nổi cồn cao như núi tuyết (ở cuối truyện) là hình ảnh thuyết phục nhất, minh chứng sinh động nhất (cho lời trần tình của người đàn bà hàng chài) về sự cần thiết của một người đàn ông. Phải có đủ sức mạnh để chống chọi, để tồn tại. Phải nương tựa, gắn kết để trụ vững giữa cuộc đời đầy phong ba, dù là nương tựa bằng cách nào). Thằng bé vùng biển được miêu tả với "những món tóc vàng hoe có chỗ đỏ quạch như mớ lưới tơ đã bợt bạt đang tỏa ra mùi nước mặn che lấp gần hết khuôn trán nhỏ và cặp mắt đầy vẻ ngây thơ, lúc này chả khác nào cặp mắt của một chú hổ con từ miền rừng lạc về". Ngay cả cô gái nhỏ, con của người đàn bà hàng chài cũng được miêu tả: "Nó mềm mại và nhanh như một con vượn đen tuyền trong bộ quần áo đen ướt rượt bó sát vào mình". Có vẻ như cái "chất người" rất mờ nhạt. Tất cả bọn họ dường đang tồn tại trong một thế giới khác, khác đến mức khó mà nhận biết. Tác giả nhiều lần nhấn mạnh vào sự "hoang vắng", "hoang sơ", "mênh mông" của thế giới tự nhiên. Những đêm nằm cạnh thằng Phác, ở ngay bãi cát ven bờ phá, "mắt nhìn đăm đăm vào khoảng mờ trắng của sương đêm, cùng hồi hộp chờ một tiếng vạc rất nhỏ kêu thảng thốt trong bầu sương tít trên cao, nghe như vọng về từ một thời hồng hoang nào đó, cái thời chung quanh vùng biển này chỉ có lau lách và tiếng sóng vỗ, chưa có người".

Tự nhiên vừa cưu mang, vừa hủy hoại. Con người vừa nương tựa, vừa chinh phục nó, vừa được thanh lọc, vừa bị nó làm cho tha hóa. Ở đó, con người cũng mông muội, lắt lay như cây cỏ, đời người rồi thì cũng chảy trôi như sóng nước. Ở đó, đòn roi, thắt lưng, dao găm... là ngôn ngữ giao tiếp của người với người, tịnh không hề có những lời yêu thương. Gã đàn ông hung bạo khi đánh vợ không ghê tay cũng chỉ rên rỉ đau đớn; thằng bé con muốn cứu mẹ, nhảy xổ vào gã bố tàn độc cũng chỉ câm lặng như một người câm, người vợ khốn khổ bị đánh đập tàn nhẫn cũng không hề kêu lên một tiếng, gã bố khi bị con đánh trả liền giang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến nó lảo đảo ngã dúi xuống cát, rồi lẳng lặng bỏ đi. Họ rất ít khi nói với nhau, nếu có cất lời thì cũng chỉ là rên rỉ, là mếu máo, đau khổ. Đỉnh cao của sự tha hóa là sự nghèo khó yêu thương, sự xuống cấp về đạo đức, sự xói mòn của nhân tính: chồng bạo hành vợ, con định giết cha. Sự khắc nghiệt của tự nhiên, những tàn dư của chiến tranh, sự đói nghèo... chính là kẻ thù của nhân tính.

3️. Từ góc nhìn đạo đức

Một trong những đề tài đáng chú ý được triển khai trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975 là đề tài đạo đức thế sự. Sự đổi mới quan niệm về con người: quan niệm về con người bất toàn, "con người thường xuyên không hoàn hảo", con người là "rồng phượng lẫn rắn rết" của ông đã thức tỉnh chúng ta: cần phải có đôi mắt của tình thương, sự thấu hiểu, không thể xem xét đánh giá một dễ dãi về con người bởi con người là một thực thể phức tạp, đa diện. Đánh giá một ai đó là xấu xa hay tốt đẹp, có đạo đức hay vô đạo đức, đáng thương hay là đáng trách... thật không đơn giản. "Cuộc đời không có thánh nhân, cũng như không có một người nào mà tâm hồn hoàn toàn không thể nào cứu chữa được" (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành). Người  đàn bà hàng chài nhẫn nhục, cam chịu, gã đàn ông hung bạo, đứa bé cầm dao tấn công ông bố... cần được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía, không thể chỉ thuần túy ngợi ca hay phê phán...

Nhà văn cũng cho rằng: "cái đẹp chính là đạo đức". Nó cũng gần gũi với quan niệm: "Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới". Trở về với thiên nhiên (hay đến với tôn giáo) là một trong những con đường quen thuộc để thanh tẩy, thanh lọc tâm hồn. Sự hào phóng, vô tư của tạo hóa cho con người cơ hội chạm tới sự toàn thiện, toàn mĩ, cho con người những "khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn", dọn đường cho cảm xúc thăng hoa. Bởi vậy, hãy biết trân trọng tự nhiên, nâng niu cái đẹp!

4️. Từ góc nhìn văn chương nghệ thuật

Truyện ngắn này là một luận đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

Hình ảnh chiếc thuyền gần như xuất hiện xuyên suốt trong truyện kể của nhà văn. Bắt đầu từ yêu cầu của người trưởng phòng "lắm sáng kiến" đối với nhân vật xưng "tôi" - người nghệ sĩ nhiếp ảnh: "... Chúng ta sẽ mang đến cho mỗi gia đình một bộ sưu tập về thuyền và biển, không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật". Tiếp đó là hình ảnh chiếc thuyền "mới đóng xong vẫn còn thơm mùi gỗ lẫn mùi dầu rái", rồi tiếp theo nữa là "một nhóm chừng dăm bảy chiếc thuyền vó vừa tắt đèn" và cuối cùng tập trung vào "một chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng". "Chiếc thuyền ngoài xa" được nhà văn khắc họa rất ấn tượng: "Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ". Hình ảnh đó mang một "vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích" - vẻ đẹp của "một bức tranh bằng mực Tàu của một danh họa thời cổ", và tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh thu vào một tấm ảnh mà nó "được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Hình ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" giờ đã hóa thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét, bố cục...

Chiếc thuyền ngoài xa là biểu tượng về khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống. Dường như lâu nay, nghệ thuật, trong đó có văn chương vẫn tiếp cận đời sống ở một cự li khá xa. Ở đó, chiếc thuyền hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng như bức ảnh tuyệt đẹp mà  nghệ sĩ Phùng chụp được. Nhưng khi lại gần, anh mới phát hiện ra bao sự thực về cuộc đời đa đoan, nhọc nhằn cay đắng của nhân sinh. Chiếc thuyền cũng là biểu tượng của đời sống hiện thực đầy bí ẩn mời gọi người nghệ sĩ khám phá, đồng cảm.

Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp - đối tượng mà nghệ thuật luôn hướng tới; nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật. Phùng là một nghệ  sĩ có lương tâm nghề nghiệp, có tình yêu thiết tha với cái đẹp, không ngại khó, ngại khổ và luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo..., nghĩa là anh có nhiều phẩm chất của một nghệ sĩ đích thực; nhưng suýt nữa, nếu không có cái tình cờ ngẫu nhiên (cái anh gọi là tính duy tâm nghề nghiệp), thì sẽ mãi mãi anh cũng không thể nhận ra, không thể nào chạm tới được bản chất đích thực của đời sống.

Trước Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nam Cao từng quan niệm "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối... Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than"(Giăng sáng). Là người đi sau, Nguyễn Minh Châu không lặp lại quan niệm đó, vẻ đẹp của "chiếc thuyền ngoài xa" là vẻ đẹp nghệ thuật thực sự chứ không hề là "ánh trăng lừa dối". Từ những vỡ lẽ của Phùng, nhà văn muốn lưu tâm chúng ta là: cần phải có cái nhìn đa chiều, phổ quát mới có thể cảm nhận hết cái gai góc, phức tạp của cuộc đời, bởi "con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự".

Nguyễn Minh Châu mang đến cho chúng ta một cái nhìn buồn về cuộc đời nhưng đó là một sự cảnh tỉnh cần thiết. Nó gỡ bỏ hầu hết những ảo tưởng về chuyện văn chương có thể cứu được con người, làm thay đổi cuộc đời. Bởi vì nói cho cùng văn chương cũng chỉ là thiện chí của nhà văn, nhất là khi người cầm bút không hiểu hoặc không hiểu sâu sắc về đời sống thì văn chương càng chẳng có ích gì cho cuộc đời. Người ta đã phải học cách nghi ngờ sức mạnh của văn chương để nhìn ra giới hạn của nó như Nguyễn Minh Châu.

Kết luận

Chiếc thuyền ngoài xa là một văn bản đa tầng và có tính mở. Cái kết lửng, mọi việc không diễn ra theo hướng chiều lòng độc giả; nhà văn tôn trọng chiều hướng vận động của đời sống, không áp đặt, không dẫn dắt ai. Ông chỉ kể một câu chuyện, còn tiếp nhận nó như thế nào là tùy vào nhu cầu, khả năng của người đọc. Mỗi góc nhìn sẽ cho chúng ta những suy ngẫm khác nhau về đời sống và con người, những gì ngỡ thật xa nhưng thực ra lại rất gần chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Asia