ZingTruyen.Com

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học

Tuyển tập: Cách nhìn của nhà văn về con người

DPPhuongdinh

Lí luận văn học - HSG: "Các nhà văn, nhà thơ nhân đạo lớn thường gửi vào sáng tác một cách nhìn sâu sắc về con người, cách nhìn này hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc" - Bài đoạt giải Nhất (17/20 điểm, Đề thi chọn HSG Văn toàn quốc năm học 2011 – 2012) của bạn Đoàn Ngọc Thanh Châu. <3

Trái tim con người có sức mạnh phi thường và kì diệu. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Mọi điều xuất phát từ trái tim". Điều này quả là minh xác đối với mọi phương diện đời sống và càng chuẩn xác hơn trong sáng tác văn chương nghệ thuật. Trước khi rỏ từng giọt tâm hồn ra ngòi bút để viết nên những câu chữ đẹp đẽ tinh khôi; mỗi nhà văn đều để dòng tư tưởng thấm xuyên qua con tim thổn thức để từ đó, thể hiện cái nhìn sâu sắc về con người mà gửi vào trong sáng tác. Cái nhìn nghệ sĩ luôn đau đáu khôn nguôi hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc, để dựng lên tượng đài cao đẹp và hùng vĩ của con người trong văn chương muôn thuở, trong tình nhân đạo dạt dào.

Chắc hẳn ai cũng hiểu thấu câu nói quen thuộc: "Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống". Đúng như vậy, không chỉ văn học mà tất cả mọi phát minh được con người sáng tạo ra đều bắt đầu từ thực tại đời sống của con người và sau đó quay lại phục vụ con người. Nhưng văn học khác với các phát kiến khác ở chỗ bồi đắp cho con người chủ yếu ở phương diện tinh thần. Nhà văn viết một tác phẩm để gửi gắm vào đó một cách nhìn sâu sắc về con người – đối tượng cua văn học – nghĩa là một phát hiện khám phá mới mẻ, độc đáo, đầy ý nghĩa của riêng nhà văn về thế giới nhân sinh. Cách nhìn ấy, phát hiện ấỵ trước hết là cách cảm về con người trong nỗi khổ, cả niềm vui và cái đẹp. Bàỵ tỏ tình thương, lòng trắc ẩn trước đớn đau của cuộc đời và ca ngợi cái đẹp trong cuộc sống, đó là thiên chức của nhà văn. Thật không thể tin được có người tự nhận lấy, danh hiệu Nhà văn cao quý trong khi trái tim chai sạn trước tiếng rên rỉ, nức nở của một số phận và lạnh lùng, vô cảm khi nhìn thấy vẻ tinh khôi của bông hồng buổi sớm đẫm sượng đêm. Có thể nói, nhà văn phải gửi gắm được vào trong tác phẩm của mình một cái tâm tận thiện tận mĩ. Mỗi phút giây rung động trong tâm hồn là một lần ta sống thật với lòng mình, sống với tất cả bản chất con người của mình. Con người hiện lên hoàn toàn nhất trong nội tâm và cảm xúc. Cố gắng nắm bắt tài tình được đời sống bên trong của mỗi người, nhà văn mới có thể nói là đắc nhân tấm, hiểu sâu sắc và có cái nhìn đúng đắn với nhân loại đông đúc này. Đó chính là phẩm chất cần thiết của một nhà văn chân chính và cũng là "nhà nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê-khốp). Một nhà văn đích thực phải đồng thời là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn và phải đặt cái tâm của mình lên trang giấy. Thiếu lòng yêu thương, tác phẩm văn học chỉ còn là một cái hồ chết, tù hãm và đầy bùn lầy đọng nước.

Tại sao chúng ta có thể khẳng định như vậy? Vì, như đã nói, đối tượng chính của văn học chính là con người. Truyện ngụ ngôn mượn hình ảnh con vật chẳng qua cũng là để chỉ về con người. Văn học tái hiện hình ảnh chân thực của con người, văn học đục bỏ khỏi con người những gì không thuộc về nó. Đặc biệt, không chỉ biểu hiện ngoại hình nhân vật, văn học còn thâm nhập để khám phá được bí ẩn giấu kín đằng sau cánh cửa thế giới tâm hồn, tức đời sống nội tâm bên trong. Niềm hân hoan, vui sướng, nỗi phẫn uất, đau thương, sự căm hờn, nhỏ nhen len lỏi trong mọi ngõ ngách sâu thẳm và cả bao nghịch lí chua chát, mâu thuẫn đắng cay cuồn cuộn chảy trong dòng cảm xúc, tất cả đều không thoát khỏi đôi mắt tinh tường của người nghệ sĩ. Nhà văn giống như nhà giải phẫu tâm hồn đầy tài năng, mỗi trang văn, trang thơ đều là trang lòng trải trên mặt giấy. Do vậy, sáng tác về con người, nhà văn không thể không quan tâm đến đời sống nội tâm và cảm xúc. Nắm bắt được điều ấy là yêu cầu cao nhất mà cũng là bản lĩnh, tài năng và sự tinh tế của nhà văn.

Hiểu về con người với toàn bộ dáng vóc nội tâm cũng là cách nhà văn bày tỏ suy nghĩ sâu sắc về thế giới và nhân sinh. Ai đó đã nói, có một thước đo để đánh giá một nhà văn lớn, ấỵ là anh ta đã đem đến thế giới này cách nhìn mới mẻ và sâu sắc như thế nào về cuộc đời con người. Mỗi sáng tác là mỗi con mắt soi chiếu thế giới này, cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp đâu đó và tha thiết giãi bày tình thương đối với con người. Một lần sáng tác là một lần nghệ sĩ lặn lội với đời bằng cả tấm lòng tha thiết, hết sức trẻ trung trong cách cảm nhận và hết sức già dặn trong suy tư, triết lí về cuộc sống này. Mỗi sáng tác là mỗi cơ hội để nhà văn giãi tỏ một điều gì đó mà kì lạ thay, cả cuộc đời nhà văn chỉ muốn nói điều ấy mà thôi. Đấy chính là cách nhìn, cách cảm riêng, độc đáo và sâu sắc của họ. Nhưng dù thế nào, thì tất cả đều giống nhau ở một điểm, ấy chính là phải thể hiện trong tác phẩm tinh thần nhân đạo, Hướng về con người, văn học không thể không nói đến cái xấu, cái chưa tốt nhưng trước hết và chủ yếu phải thể hiện cái đẹp, cái thiện của con người qua đời sống nội tâm. Đó chính là lòng nhân đạo. Hướng về con người, văn học thốt lên tiếng nói cảm thương với nỗi khổ đau, những mảnh đời lầm lạc hay mạnh mẽ hơn là tiếng nói tố cáo, phản kháng mạnh mẽ bao thế lực chà đạp lên cái tốt, cái đẹp và chà đạp lên số phận con người. Hướng về con người, dù thế nào đi chăng nữa, văn học vẫn luôn bày tỏ niềm tin son sắt, da diết vào chính nghĩa tất thắng; bày tỏ niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người thông qua đời sống nội tâm. Ngợi ca, cảm thống, tố cáo, tin tưởng đó là những gì nhà văn muốn gửi gắm qua cách nhìn riêng của mình. Đó cũng là lí do vì sao mỗi tác phẩm đều là mỗi bậc thang đưa con người tiến đến gần hơn với chân – thiện – mĩ.

Nguyễn Du, người nghệ sĩ thiên tài với trái tim lớn bao la của văn học Việt Nam là một nghệ sĩ như thế. Sáng tác của ông, dù là chữ Hán hay chữ Nôm, đều được viết bằng cả tấm lòng khổ đau và yêu thương, của tinh thần nhân đạo dạt dào, bày tỏ cái nhìn sâu sắc của Tố Như về những kiếp người tài hoa. Thi phẩm Đọc Tiểu Thanh kí của Thanh Hiên là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành không
Độc điếu song tàn nhất chỉ thư.

Câu thơ đầu tả cảnh mà chất chứa bao cảm xúc: Có chút gì đổ ngậm ngùi, chua xót lại có chút gì nuối tiếc, thở than. Một triết lí được nêu ra: Hình như cái gì đẹp, cái gì tài hoa trên thế gian này đều là những cái chóng tàn, chóng lụi. Bãi bể nương dâu, thời gian và thế sự có sức hủy hoại khủng khiếp, vườn hoa thanh nhã của Tây Hồ nổi tiếng nay thành ra gò hoang tàn tạ, cô liêu. Ngay từ đây, cái nhìn sâu sắc của Nguyễn Du đã bộc lộ thật rõ nét, hướng đến tâm trạng ngậm ngùi của mình cũng là cách Tố Như thốt lên lời than não nề cho sự vô tình của tạo vật với cái đẹp trên đời. Và biết đâu, "hoa uyển" kia không chỉ là một vườn hoa vắng lặng mà để chỉ những con người "Thác là thể phách, còn là tinh anh" (Truyện Kiểu – Nguyễn Du) như Tiểu Thanh, cô Cầm, Từ Hải... một thời rạng rỡ vẻ tài hoa thiên phú mà sau bao biến động chỉ còn lại một nấm mồ mờ mịt cỏ xanh? Chằng còn ai nhớ đến họ, chỉ còn mình ta viếng Tiểu Thanh, viếng tất cả các kiếp tài hoa trên đời bằng một trang giấy trước cửa sổ – sơ sài và lạnh lẽo, đạm bạc biết bao! Người đẹp, người tài là của báu đẩt trời mà thế gian thực vô tình với họ, bạc bẽo quá, phũ phàng quá:

Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng

(Truyện Kiều)

Cảm thông với những người ấy, Nguyễn Du đồng thời cũng bày tỏ niềm phẫn uất, lên án những thế lực chà đạp lên cái đẹp trên đời. Tố Như thác lời "son phấn hữu thần" để nói về nỗi hận dưới sâu ba tấc đất. Ông ai oán, cám cảnh cho văn chương như gấm như vóc vô tội mà cũng bị đốt dở dang số kiếp con người. Từ đó, ông hạ bút hai câu thơ vô tiền khoáng hậu, hai câu thơ đủ sức rung động mọi con tim:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư.

Ở tít cao xanh, trời kia vẫn hay giả điếc, giả ngơ lờ đi mọi tiếng kêu phẫn uất của những kiếp hận xưa và nay. Nhưng điều đáng nói ở đây là vẫn có một người khách cùng hội cùng thuyền với kiếp tài hoa bạc mệnh tỏ lòng tri kỉ, tỏ nỗi tri âm. Chia sẻ với những nỗi oan lạ lùng, người ấy lắng nghe người, khóc cho người rồi khóc cho chính mình. Ấy là Nguyễn Du. Tố Như khóc cho Tiểu Thanh, thương cảm cho số kiếp của nàng dẫu cách biệt ba trăm năm lẻ và hai thế giới.Tiếng khóc thương ấỵ chính là tinh thần nhân đạo da diết bộc lộ từ đáy sâu tâm trạng để rồi:
; :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Hôm nay, cất tiếng khóc Tiểu Thanh; vậy ba trăm năm sau, ai sẽ là người khóc Tố Như? Thương cho người và thương cho mình cũng là cầu thêm cho đời nhiều tri kỉ. Dẫu chỉ là một tiếng khóc thầm, "khấp" thôi cũng đã là mãn nguyện rồi. Hỏi tức là còn mong mỏi, còn đợi chờ, lòng Nguyễn Du chưa nguội lạnh tình đời, tình người. Qua câu hỏi cuối, Nguyễn Du bày tỏ niềm tin vào lòng thương trong cuộc sống, tin vào con người. Đó chính là căn cốt tích cực của cái nhìn tác giả trong bài thơ. Mấy câu thơ thấm đẫm cảm xúc nội tâm vì thế có bi nhưng không lụy, chất chứa buồn giận, hận sầu mà không ai oán, mà đủ đầy niềm tin vào chân – thiện – mĩ trong cuộc sống.

Nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm "Một người Hà Nội" cũng bày tỏ niềm tin, tình yêu vào vẻ đẹp hào hoa của Hà Nội và người Hà Nội. Bà Hiền, là hình tượng trung tâm của truyện, được tác giả dày công xây dựng; kết tinh nhiều vẻ đẹp của con người, qua đó bộc lộ nhiều cách nhìn độc đáo của nhà văn với đời sống. Đó là điều gần như tất yếu. Ở đây tôi muốn dành mối quan tâm đến những nhân vật phụ nhưng không kém phần cao đẹp: Dũng, Tuất – bạn Dũng và bà mẹ Dũng. Ra đi đánh giặc vì lòng yêu nước gắn với tinh thần trách nhiệm, Dũng để lại cho ta ấn tượng sâu sắc về người Hà Nội hào hoa yêu nước. Nhưng vẻ đẹp của Dũng còn cao hơn trong tình thương và sự quan tâm đến nỗi đau con người. Tuất mất trước ngày giải phóng mấy ngày, Dũng thấy mình tội lỗi, biết nói sao với mẹ Tuất, bà mẹ mất con trong khi "bạn nó còn sống, sống đến tận bây giờ". Nhân cách người lính không cho phép Dũng im lặng, anh phải đi và phải làm cái việc tưởng chừng không thể làm nổi đó. Nhưng thật kì lạ, người tưởng phải an ủi hóa ra lại là người được an ủi: Mẹ Tuất không khóc mà chỉ "run run" trước Dũng đang khóc òa như trẻ con rồi dỗ dành Dũng như dỗ con trẻ: "Dũng, nín đi con! Cô biết cả rồi". Đó chính là yẻ đẹp hào hoa của người Hà Nội: Biết để nước mắt chảy ngược, bình thản trước hi sinh, luôn quan tâm đến người xung quanh. Đó là cách nhìn ca ngợi và đầy cảm thông của nhà văn qua đời sống nội tâm nhân vật và đã tìm được đường vào mãi mãi.

Văn học nghệ thuật có khả năng kì diệu nhân đạo hóa con người. Nhưng nó còn phải tùy thuộc vào trình độ tiếp nhận của độc giả. Những tác phẩm âm nhạc lớn cũng trở thành vô nghĩa với lỗ tai của người không hiểu gì về âm nhạc. Bởi vậy, văn chương cần lắm ở độc giả sự tri âm, sự nâng tầm đón nhận để đón nhận để cảm hiểu sự mới mẻ, sáng tạo và sâu sắc của tác phẩm.

Không gì khác, chính văn học nghệ thuật sẽ soi sáng, bồi đắp cho tâm hồn ta sạch trong, cao rộng. Ta biết cách nhìn người, biết thấu hiểu, biết hướng tới chân – thiện – mĩ. Vì lẽ đó, chừng nào con người còn tồn tại, chừng đó nghệ thuật sẽ còn là quả quyết: "Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". (Sê-đrin).

| Đoàn Ngọc Thanh Châu
THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định,
Bài đoạt giải Nhất - 17/20 điểm

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com