ZingTruyen.Com

[HOÀN] Nhu Phúc đế cơ | Milan Lady

10. Khuynh thành

CaMuonHocBay

Quân Kim đóng ngoài thành Biện Kinh ngày ngày dùng hỏa khí công thành, binh tướng thủ thành lần lượt tháo chạy. Thấy quân Kim đã sắp sửa hạ được thành, Triệu Hoàn lòng như tơ vò, lại sai Tể tướng Hà Lật và Tế Vương Hú đi sứ Kim xin hòa. Hà Lật kinh hãi khôn cùng, do dự không dám đồng ý. Triệu Hoàn nhiều lần ra lệnh, hắn vẫn chần chừ hồi lâu không đưa ra quyết định. Sử bộ thị lang Lý Nhược Thủy thấy vậy tức giận khiển trách Hà Lật: "Quốc gia đã nguy nan tới bực này, đều do những kẻ tiểu nhân như các người gây nên. Giờ đây xã tắc lâm nguy, các người có chết hàng vạn lần cũng khó mà chối bỏ trách nhiệm!" Hà Lật bất đắc dĩ đành lĩnh mệnh lên ngựa, hai chân lại run tới độ không ngồi lên nổi, tả hữu hai bên có người dìu đỡ mới lên được lưng ngựa, khoảng cách ngắn ngủ từ hướng Bắc hoàng thành tới Chu Tước môn mà cây roi y cầm đã rơi xuống đất ba lần.

Nào ngờ Hoàn Nhan Tông Vọng giờ đây tới thân vương, tể tướng cũng không để vào mắt nữa rồi, bắt bọn họ quay về mời Thái thượng hoàng đích thân tới nghị hòa. Triệu Hoàn hay tin liền thở dài: "Thượng hoàng tuổi tác đã cao, hơn nữa đã kinh hãi thành bệnh, làm sao có thể ra ngoài nghị hòa được? Vạn bất đắc dĩ, hãy cứ để trẫm đi thay vậy."

Hoàn Nhan Tông Vọng thấy Triệu Hoàn tới bèn đề ra rất nhiều điều kiện cắt đất, cống nạp, yêu cầu triều Tống phải nhanh chóng giao ra đất ba châu, đồng thời nộp một vạn đĩnh vàng, hai vạn đĩnh bạc. Triệu Hoàn nhất thời chưa dám đồng ý, liền bị ép lưu lại doanh trại trong hai ngày, thế nhưng bởi Hoàn Nhan Tông Vọng vẫn chưa nhận được mệnh lệnh từ Kim chủ nên xử lí thế nào, nên cuối cùng vẫn thả cho Triệu Hoàn quay về.

Triệu Hoàn quay về kinh thành kinh ngạc phát hiện ra giới sĩ và thái học sinh chốn kinh sư đều ùa ra đường nghênh đón đấng quân vương vô dụng là y. Thiết nghĩ mình là quân chủ lại bị bức ép phải tới trại giặc cầu hòa, khiến thể diện nước nhà mất sạch, Triệu Hoàn không nén được bi ai không dứt, che mặt khóc rằng: "Tể tướng hại phụ tử ta rồi!" Thấy vậy quần chúng cũng não nề cõi lòng.

Lúc này quân Kim tuy chưa vào thành song trên thực tế thành Biện Kinh sớm đã thất thủ. Quân Kim hàng ngày tràn vào lùng tìm vàng bạc vật báu và gái đẹp, uy hiếp nếu không chịu giao ra sẽ tiến quân vào thành. Triệu Hoàn không thể chịu nổi, tháng Một năm Tĩnh Khang thứ hai chỉ đành dẫn theo Vận vương Khải cùng mấy vị đại thần tới Thanh thành thương nghị cùng người Kim. Vốn dĩ ước định trong vòng năm ngày sẽ quay về, ngờ đâu lần này đi lại bị bắt lại, Hoàn Nhan Tông Vọng nói nhất định phải nhận được đất đai và vàng bạc rồi mới chịu thả Triệu Hoàn hồi kinh.

Triệu Cấu đặt phủ Đại nguyên soái ở Tương Châu, nắm trong tay vạn quân, chia thành năm đội. Trước tiên phái Tông Trạch dẫn hai ngàn người làm tiên phong, khi đi tới Đại Danh gặp phải một toán quân Kim, vì thế Tông Trạch trực diện nghênh chiến, đánh bại hơn ba mươi trại quân Kim. Tri Tín Đức phủ Lương Dương Tổ lại dẫn thêm ba ngàn người tới, liên tiếp thắng lợi, khiến sĩ khí lên cao. Thế nhưng lúc này Xu mật viện sứ là Tào Phủ lại đột ngột đưa tới một đạo sắc dụ tới quân doanh, Triệu Cấu nhìn chiếu thư nói: "Vừa nghị hòa xong, có thể dừng quân nghỉ ngơi 10 ngày." liền chần chừ chưa quyết, không rõ có nên tiếp tục tiến công hay không. Đám người Uông Bách Ngạn đều tin việc nghị hòa là có thật, chỉ có Tông Trạch sinh nghi, nói với Triệu Cấu: "Chắc hẳn là người Kim giả mạo thánh chỉ, ngăn cản quân đội của chúng ta đi tiếp. Xin điện hạ đừng tin lời này, xin hãy thẳng tiến về Thiền Uyên, từ đó phá vỡ thế giặc bao vây kinh đô." Thế nhưng Uông Bách Ngạn, Cảnh Nam Trung và nhiều người khác phản đối, kiên quyết nói kế sách của Tông Trạch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới an toàn hoàng đế đang nghị hòa, lui quân về Đông Bình vẫn là hơn. Triệu Cấu sau khi suy nghĩ bèn hạ lệnh dời quân về Đông Bình, chỉ sai Tông Trạch dẫn một vạn người tiến vào Thiền Uyên, để bọn họ rêu rao khắp nơi rằng Khang vương đang ở trong quân đội. Từ đó Tông Trạch liền bị tách ra, không thể tiếp tục cùng Triệu Cấu và chư tướng nghị sự trong phủ Đại nguyên soái nữa.

Tháng Một mùa xuân năm Kiến Viêm thứ nhất, Triệu Cấu dẫn binh tiến về Đông Bình. Người Kim vẫn luôn nghe ngóng tung tích của y, nghe được tin tức mà bọn họ tung ra, nói rằng Triệu Cấu đang ở Thiền Uyên, Hoàn Nhan Tông Vọng bèn lệnh cho Trung thư xá nhân Trương Trừng tới quân doanh Tống triệu y về. Nào ngờ Tông Trạch không thèm để ý, vừa thấy Trương Trừng đã lệnh cho thủ hạ giương cung lên bắn, Trương Trừng chỉ đành thất thểu đào thoát. Dừng lại ở Đông Bình chưa được bao lâu, đám người Uông Bách Ngạn lại xin Triệu Cấu di chuyển tới Tề Châu an toàn hơn hạ trại. Cuối tháng Hai, Triệu Cấu tới Tề Châu. Mà người Kim cũng không định dễ dàng buông tha y như vậy, bí mật phái năm vạn kỵ binh đuổi giết Khang vương.

Đầu tháng Ba năm Tĩnh Khang thứ hai, Kim chủ hạ lệnh phế Huy Tông Triệu Cát và Khâm Tông Triệu Hoàn làm thứ dân, sau đó không lâu liền tuyên bố lập Trương Bang Xương làm hoàng đế Nam triều, đặt quốc hiệu là Sở. Quân Kim tràn vào thành Biện Lương. Tuần kiểm kinh thành Phạm Quỳnh nhận chỉ thị của Trương Banh Xương, vào cung ép Triệu Cát và Thái thượng hoàng hậu lên xe ngựa xuất cung. Người Kim cũng có được danh sách do nội thị Đặng Thuật bí mật dâng lên, bắt được hơn ba ngàn cung quyến bao gồm hậu phi, đế cơ, cùng thân vương, hoàng tôn.

Tháng Tư, Hoàn Nhan Tông Vọng lui binh, áp giải hai hoàng đế về Kim, cùng với đó là hoàng hậu, hoàng thái tử, các thân vương, phi tử trong kinh thành, đế cơ, phò mã, trong số đó cũng bao gồm mẫu thân của Triệu Cấu là Vi Hiền phi và Vương phi Hình thị. Chỉ có Nguyên Hựu Hoàng hậu Mạnh thị của Triết Tông vì đã bị phế từ sớm, hiện đang sống tại nhà mẹ đẻ mà nhờ họa được phúc, không bị bắt về Kim. Mà Biện Kinh cũng bị quân Kim cướp phá sạch sẽ, pháp giá, lỗ bạ, kiệu xe của hoàng hậu trở xuống, lỗ bộ, trang phục, lễ khí, pháp vật, đại nhạc, nhạc cụ giáo phường, tế cụ, bát bảo, cửu đỉnh, khuê bích, hỗn thiên nghi, tượng đồng, chạm khắc, cổ khí, cống phẩm trong Cảnh Linh cung, Thái Thanh lâu, thư họa quý giá cất giữ trong bí các, tam quán, bản đồ châu phủ cùng với quan sứ, nội nhân, nội thị, thợ khéo, ca cơ, ngân khố, tất cả đều sạch bách. Triệu Hoàn đội mũ xanh cưỡi ngựa, phía sau là quân lính giám sát, từ Trịnh môn khởi hành về phía Bắc, mỗi khi đi ngang qua một tòa thành đều che mặt mà khóc. Nữ quyến theo sau lại càng bi thương tới độ tiếng khóc nỉ non ngày đêm không dứt.

Triệu Cấu nhận được tin dữ gào khóc thất thanh, sau đó thúc ngựa chạy điên cuồng, giương cung phẫn nộ bắn chết mười hai con chim sẻ.

Trương Bang Xương mặc dù ở Biện Kinh làm hoàng đế, thế nhưng rốt cuộc vẫn là được người Kim lập lên, trong lòng cũng tự cảm thấy bất an, biết rõ khó mà khiến quần chúng thần phục, khi đối diện với bách quân cũng không dám xưng "trẫm" mà chỉ xưng "dư", chiếu thư cũng chỉ gọi là thủ thư, cũng không cải niên hiệu. Các đại thần hoàn toàn chẳng để hắn ta vào mắt, đều dõi theo Khang vương được phát hiện ở Tế Châu, bất kể công khai hay bí mật đều có kẻ khuyên y xưng đế, song Triệu Cấu lần nào cũng thoái thác.

Trương Bang Xương tự biết Triệu Cấu xưng đế là mong muốn của tất cả mọi người, bèn đón Nguyên Hựu Hoàng hậu Mạnh thị vào Diên Phúc cung sống, đồng thời lấy thân phận Thái hậu buông rèm nghe chính. Mặt khác lại phái người đưa ngọc tỷ tới phủ Đại nguyên soái giao cho Triệu Cấu, phía trên có khắc "Đại Tống thụ mệnh chi bảo". Sau đó Nguyên Hựu Hoàng hậu hạ thủ thư bố cáo thiên hạ, mời Khang vương Cấu kế thừa đại thống, đăng cơ làm đế. Triệu Cấu chuyển tới sống ở Nam Kinh Ứng Thiên phủ, bách quan lại dâng biểu khuyên y xưng đế, Triệu Cấu cuối cùng cũng đồng ý. Tháng Năm Tĩnh Khang năm thứ hai, Binh mã Đại nguyên soái Khang vương Triệu Cấu lên ngôi hoàng đế tại Nam Kinh. Triệu Cấu đăng đàn thụ mệnh, hoàn tất nghi lễ lại đau đớn khóc, bái tạ nhị đế từ xa, cải niên hiệu là Kiến Viêm. Mấy ngày sau Triệu Cấu liền tôn Tĩnh Khang hoàng đế Triệu Hoàn làm Uyên Thánh hoàng đế, Nguyên Hựu Hoàng hậu làm Nguyên Hựu Thái hậu, tôn Vi Hiền phi làm Tuyên Hòa Hoàng hậu từ xa (vì Thái thượng hoàng vẫn còn, nên không gọi là Thái hậu), cùng đó lập Gia quốc phu nhân Hình thị đã bị bắt về phương Bắc cùng cha mẹ làm Hoàng hậu.

Cuối tháng này, người Kim tuyên bố thả cho xá nhân Tào Huân về Nam. Trước khi đi, Thái thượng hoàng Triệu Cát bí mật nói với y: "Nếu gặp được Khang vương rồi, xin hãy nói với nó: nếu có sách lược phục quốc và thống nhất trung nguyên, hãy cứ can đảm tiến hành, không cần bận lòng vì ta." Đồng thời đưa thư của Vi Hiền phi nhờ hắn giao cho Triệu Cấu. Hình phu nhân cũng tháo chiếc vòng vàng mà trước khi đi sứ Triệu Cấu đã tặng mình xuống, bảo nội thị giao cho Tào Huân: "Xin hãy giúp ta chuyển cáo Khang vương điện hạ, nguyện được như chiếc vòng này, sớm ngày đoàn tụ."

Triệu Cấu đọc thư của mẫu thân đau lòng không dứt, nhìn chiếc vòng vàng của phu nhân lại càng thêm chua xót. Hai người thiếp trước kia hầu hạ trong phủ Phan thị và Trương thị lúc nghe tin quân Kim chuẩn bị phá thành đã lặng lẽ về nhà mẹ đẻ lánh nạn, lại không phải chính thất, danh sách trong tay quân Kim cũng không có tên của hai người bọn họ, bởi thế mà tránh được một kiếp nạn. Sau đó lại được Triệu Cấu sai người tới đón về kinh thành phía Nam, lần lượt phong làm Hiền phi và Tiệp dư. Mà chính phi Hình phu nhân sau khi y đi đã chuyển vào cung hầu hạ mẹ chồng Vi Hiền phi, hơn nữa lại còn là phu nhân của kẻ địch mà quân Kim ghi thù nhất, vì thế nên không thể thoát khỏi số kiếp bị bắt về phương Bắc. Triệu Cấu thầm nghĩ, ngày hôm nay xem chừng y quả thực đã sai lầm khi cưới nàng. Nếu không có thân phận Khang vương phi, có lẽ nàng đã không gặp phải tai họa lớn đến vậy. Chỉ vì một ý nghĩ mà khiến nàng lỡ dở cả đời, y nhất định phải giữ lời hứa ngày trước. Dù mới chỉ chung đụng với nàng trong khoảng thời gian mấy tháng ngắn ngủi nhưng sẽ mãi mãi coi nàng là chính thê, trước khi nàng trở về, y tuyệt đối sẽ không sắc phong cho người khác làm Hoàng hậu.

Mặc dù bất ngờ nhận mệnh làm hoàng đế, song nỗi ám ảnh vì nước mất nhà tan vẫn phủ bóng, khiến tâm trạng luôn trĩu nặng. Mãi tới tận cuối tháng Sáu, Phan Hiền phi hạ sinh một hoàng tử, mới đem tới cho y một chút vui vẻ.

Y đặt tên cho hoàng tử là Phu, ra lệnh đại xá thiên hạ.

Bởi chiến tranh liên miên, nước nhà có không ít nạn dân lưu vong. Ngày đại xá, y mệnh người phát cháo cứu chẩn cho lưu dân trong thành, đồng thời cũng đích thân xuất cung quan sát. Ngự giá vừa xuất hiện đã có không ít thần dân chen lấn mong muốn được chiêm ngưỡng long nhan, mà hộ vệ xung quanh cũng bảo vệ nghiêm ngặt, đẩy quần chúng lùi ra.

Dạo một vòng quanh thành quan sát, lúc đang chuẩn bị hồi cung, đột nhiên nghe thấy tiếng một nữ tử chạy tới, nói với thị vệ trước mắt muốn được gặp hoàng thượng một chút. Thị vệ đương nhiên không đồng ý, trách mắng: "Hoàng thượng là ngươi muốn gặp có thể gặp được ư?" Sau đó liền đuổi nàng đi. Cô gái kia lại không chịu nghe theo, không ngừng khẩn cầu, thấy thị vệ vẫn không đồng ý cho nàng tới gần liền đau đớn khóc to, vừa khóc vừa hét gọi ngự giá: "Hoàng thượng, tôi là cung nữ hầu hạ Nhu Phúc đế cơ đây!"

Nhu Phúc đế cơ! Cái tên này mạnh mẽ trồi lên từ một góc mà y đã cố ý lãng quên, cảm giác bất lực đến đau lòng xa lạ mà quen thuộc ấy. Y lệnh cho người dẫn cô gái kia tới trước ngự liễn.

Nàng mặc một thân nam trang, đoán chừng đã bôn ba đường dài rất lâu, quần áo và khuôn mặt dính đầy bụi đất, vừa gầy yếu vừa tiều tụy, có điều khuôn mặt kia dường như đã từng gặp gỡ.

Vừa thấy y, nàng trăm ngàn cảm xúc lẫn lộn quỳ sụp xuống, lệ nóng đảo vòng quanh mắt, thế nhưng không sao thốt lên nổi một chữ, chỉ chết lặng nhìn y hồi lâu, sau đó thân mình nghiêng ngả, ngất lịm trên nền đất.

Y đưa nàng về cung, lại mệnh người tắm rửa, thay quần áo cho nàng, để nàng nằm nghỉ ngơi trên giường. Sau đó đi tới bên giường của nàng, cúi đầu xem xét rất lâu, cuối cùng cũng nhớ ra nàng là cung nữ nhỏ từng chơi đá cầu với mình và Nhu Phúc bên dưới tàng cây cung Hoa Dương.

Nàng tỉnh dậy trong ánh nhìn chăm chú của y. Vừa mở mắt ra đã trông thấy khuôn mặt kia, nhất thời khuôn mặt hồng rực.

Thấy nàng đã tỉnh táo, Triệu Cấu bèn hỏi: "Viện Viện giờ đang ở đâu? Có trốn thoát được không?"

Đây là tia hi vọng cuối cùng còn sót lại trong lòng y. Mặc dù nghe nói toàn bộ các đế cơ ở kinh thành đều đã bị bắt đi, thế nhưng vẫn hi vọng sẽ xuất hiện một ngoại lệ, một ngoại lệ dành cho Nhu Phúc. Biết đâu đấy, nàng có thể trốn ra ngoài giống như tiểu cung nữ này? Nói không chừng nàng đã trốn được rồi, hiện giờ phái cung nữ này tới báo tin tức.

Cung nữ kia thoáng ngây ra, tiếp đó hai giọt nước mắt chảy xuống.

Trái tim y chìm xuống, truy hỏi: "Viện Viện đâu?"

"Đế cơ..." Nàng ngần ngừ nói: "Cũng bị bắt đem về Kim rồi..."

Triệu Cấu im lặng, duy trì biểu cảm lạnh nhạt, cố gắng giấu đi nỗi đau khiến tim gan tê liệt.

Thật lâu sau, y mới chậm rãi thở dài, lại hỏi: "Ngươi tên là gì?"

Nàng cúi đầu khẽ đáp: "Anh Phất. Ngô Anh Phất."

Anh Phất. Y mới chợt nhớ ra, cái tên này hình như Nhu Phúc đã từng nhắc tới với mình.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com