ZingTruyen.Com

Nhu Phuc De Co Milan Lady

"Câu này quan gia đã hỏi thần thiếp rất nhiều lần rồi." Anh Phất nói, ngữ khí vẫn dịu dàng như cũ.

Triệu Cấu thoáng giật mình, nụ cười tắt lịm: "Phải, trẫm đã hỏi nàng nhiều lần, cũng đã nghe nàng giải thích vô số lần. Thế nhưng không biết vì sao vẫn không nhớ rõ, hôm nay lại đem ra hỏi nàng."

Anh Phất nhẹ nhàng nói: "Là do quan gia quan tâm tới đế cơ, vẫn luôn cảm thấy lúc đó đế cơ không trốn thoát được là một điều đáng tiếc to lớn, bởi thế mới hỏi lại câu này."

Triệu Cấu không đáp, ngước mắt lên dõi về Giáng Ngạc cung phía xa: "Nàng có cảm thấy muội ấy hoàn toàn khác với trước đây không... Khoảng thời gian ba năm chẳng ngờ đã biến muội ấy thành một người khác."

Anh Phất lặng lẽ nhìn y, nhất thời không đáp lời. Người đàn ông trước mặt u ám mà buồn bã, vô số bi kịch thời niên thiếu đã ngấm vào tứ chi xương cốt y, lộ ra qua ánh mắt, khiến nàng không nén được cảm thấy đau lòng.

Nếu không phải mấy năm nay cùng chàng sớm chiều chung đụng, ta hẳn cũng không tin chàng vẫn còn là chàng của lúc ấy - nàng nghĩ. Đứng dưới màn mưa đêm Lâm An, nàng đột nhiên rất hoài niệm ánh mặt trời ấm áp ở Biện Kinh năm đó, và người thiếu niên rực rỡ ngời ngời đã từng thắp sáng sinh mệnh nàng.

Anh Phất sinh ra trong một gia đình bình thường ở Biện Kinh, thậm chí là có chút nghèo khó. Cái tên Anh Phất này là sau đó mới đặt, cặp cha mẹ không được học hành gì của nàng vốn dĩ gọi nàng là "Thải Vân". Phụ thân nàng Ngô Cận là một người dân thấp cổ bé họng chốn kinh thành, làm một công việc có mức lương khiêm tốn, thế nhưng vẫn phải nuôi sống một gia đình con cái thành đàn. Bởi thế mà mấy vị tỷ tỷ của Anh Phất người cần gả đã gả, người cần bán đã bán, tất cả bị đuổi hết đi. Năm Anh Phất 12 tuổi ấy, Ngô Cận vốn dĩ đã cùng một gia đình thương lượng vấn đề tiền bạc, toan bán Anh Phất đi, thế nhưng sau đó nghe nói Hoàng hậu phái người ra bên ngoài tuyển chọn cung nữ bèn ngồi xuống nghĩ ngợi cả ngày, cảm thấy cho con gái nhập cung có lẽ cũng là một cơ hội thả con săn sắt bắt con cá rô: mặc dù nói hiện giờ số tiền thu được không bằng bán cho nhà giàu có, thế nhưng nếu con gái tiến cung, biết đâu ngày sau còn may mắn có được ân sủng của Hoàng thượng? Lùi một bước mà nói, nhỡ Hoàng thượng có không để nó vào mắt thì mồi chài được vị Hoàng tử nào đó cũng tốt. Lại không được nữa thì biết đâu đấy một ngày nào đó chủ nhân vui vẻ, ban nó cho một vị quan lớn hoặc tướng quân làm thiếp cũng rất ổn.

Bởi thế Ngô Cận liền gọi Anh Phất ra, lệnh cho nàng ăn mặc gọn gàng tươm tất chút, rồi dẫn nàng đi ứng tuyển.

Anh Phất vốn dĩ đã xinh xắn, lúc ấy tuy chưa từng đọc qua sách vở gì, song tính tình tốt, nhu thuận lại thông minh, bởi thế mà thuận lợi trúng tuyển. Sau khi nhập cung lại cẩn thận chu đáo hoàn thành tốt tất cả những việc được giao phó, vô cùng chăm chỉ lại không nhiều lời. Thái giám tổng quản nhìn ra nàng rất ngoan ngoãn, nên sau đó không lâu được điều tới hầu hạ Trịnh Hoàng hậu.

Bình thường số lượng cung nữ hầu hạ một mình Hoàng hậu đã lên tới mấy chục người. Anh Phất rất nhanh đã phát hiện, chủ đề mà ngày thường các cô gái trẻ tuổi thích thảo luận nhất trong lúc rảnh rỗi chính là mấy chục vị hoàng tử lớn nhỏ của Triệu Cát. Vì các hoàng tử thường xuyên tới chỗ Hoàng hậu thỉnh an nên bọn họ cũng có nhiều cơ hội trông thấy hoàng tử nhiều hơn các cung nữ chỗ khác. Lén lút tụ tập lại bàn luận về phong thái khí chất của các hoàng tử đã trở thành một thú vui lớn của bọn họ.

"Túc Vương điện hạ hôm nay mặc một chiếc áo đơn màu đỏ thẫm, áo trong lụa bạc, đôi ủng không dính chút bụi đất nào. Lúc tới thỉnh an Hoàng hậu nương nương ta thay chàng thông báo, khi ấy chàng còn nhìn ta mỉm cười, còn nói 'cảm ơn cô nương'..."

"Túc Vương điện hạ nhìn thư sinh quá, vẫn là Tế Vương điện hạ tốt hơn. Hôm qua vừa được phong làm Tiết độ sứ Thanh Hải, chàng mặc quân phục, tiến vào Diên Phúc cung tạ ơn Hoàng thượng, quả thực tiêu sái tuấn dật, rất giống một tiểu tướng quân anh dũng..."

"Thế nhưng chàng chỉ có được cái danh hão mà thôi, đâu có được cầm quân ra trận thật, làm sao biết chàng có anh dũng thật hay không? Hơn nữa hình như Tế Vương điện hạ còn không thích đọc sách, lần trước cùng Cảnh điện hạ gặp Hoàng thượng, Hoàng thượng bảo bọn họ điền từ ngay tại chỗ, Tế Vương điện hạ nghĩ mãi không ra, mà Cảnh điện hạ đảo mắt đã điền xong ba bài rồi..."

"Ha ha, nếu luận tài văn chương thì nào có ai bì được với Vận Vương điện hạ! Cảnh điện hạ biết làm mấy bài thơ chẳng qua chỉ là thông minh thường thường như các văn nhân thôi, Vận Vương người ta còn đi thi giành ngôi Trạng Nguyên kia kìa! Đáng tiếc Hoàng thượng lại vì tránh điều tiếng mà đổi thành người khác, có điều Vận Vương điện hạ cũng không để tâm, chỉ mỉm cười cho qua, hoàn toàn xem công danh như mây khói..."

"Con nhóc hôi nhà cô suốt ngày mở mồm ra là Vận Vương điện hạ, thế nhưng lại chẳng thấy người ta nhìn cô lâu hơn một chút!"

"Hứ, chàng không nhìn ta, lẽ nào nhìn cô chắc?"

"Ta còn lâu mới mơ mộng hão huyền như cô... Hơn nữa có tài giỏi hơn nữa thì sao? Tương lai người tiếp quản thiên hạ chẳng phải vẫn là Thái tử điện hạ hay sao! Kể ra thì trong chúng hoàng tử Thái tử điện hạ vẫn trầm ổn nhất..."

"Ôi, vẫn là tỷ tỷ lợi hại, biết là giờ thân cận nhiều với Thái tử thì tương lai có thể làm nương nương rồi đấy..."

"Ây da ây da, các cô đừng tranh cãi nữa! Nghe nói hôm nay Vận Vương điện hạ lại vẽ một bức hoa điểu, Hoàng thượng ngợi khen không dứt, nói là vẽ còn đẹp hơn ngài..."

"Vậy sao? Ở đâu thế? Chúng ta có thể tới xem được không?"

...

Anh Phất sống trong môi trường như vậy, cả ngày lắng nghe những chuyện vụn vặt về các vị điện hạ và những cuộc cãi cọ liên quan tới bọn họ. Người bị các cung nữ bàn luận nhiều nhất là Vận Vương Khải. Trước khi gặp được y, Anh Phất đã có thể hình dung ra đại khái qua lời miêu tả kể lể của các cung nữ: anh tuấn phi phàm, tài hoa xuất chúng, tinh thông hội họa, phong độ ngời ngời, ấm áp cởi mở. Ngược lại, có một cái tên được nhắc tới rất ít: Khang Vương Triệu Cấu. Anh Phất còn nhớ lúc ấy ấn tượng của các cung nữ với y chính là: "Quả thực càng lớn càng ưa nhìn, thế nhưng lầm lì quá, cũng không thích để ý tới người khác, không rõ cả ngày chàng ta đang nghĩ cái gì."

Ngày 20 tháng Ba năm Tuyên Hòa thứ sáu, nàng cuối cùng đã gặp được hai vị Hoàng tử trong truyền thuyết.

Ngày hôm ấy, Triệu Cát theo lệ cũ tới Lâm Thủy điện bên Kim Minh trì trong ngự uyển hoàng gia xem đua thuyền, bày tiệc mời bá quan văn võ. Ông dẫn theo rất nhiều phi tần đi theo, Anh Phất cũng đi cùng Trịnh Hoàng hậu.

Gió nhẹ thổi qua, trời xanh trong vắt. Lâm Thủy điện nhìn ra Kim Minh trì nước biếc dập dờn, giữa ao là bốn chiếc thuyền màu sắc sặc sỡ xếp hàng, bên trên là rất nhiều cấm vệ quân đang diễn bách kịch, tỷ như đại kì, sư báo, điệu đao, man bài, thần quỷ, tạp kịch,... Lại có hai chiếc thuyền con đi sát hai bên, phía trên diễn tấu nhạc sáo, tiếng đàn du dương vang lên giữa trời xanh nước biếc.

Xem múa rối nước được một lúc, lại có hai chiếc thuyền con có gắn xích đu đi tới gần Lâm Thủy điện. Thuyền vừa dừng, tiếng nhạc đã tắt. Lại thấy một vị công tử tuấn tú mỉm cười thổi sáo ngọc, bước ra từ trong khoang thuyền.

Y mặc một bộ bạch bào thanh nhã, ống tay áo dài rộng nhảy múa theo mái tóc buông xõa. Gió cuốn dồn dập như thể bị kinh động bởi sự xuất hiện của y, thế nhưng không chút ảnh hưởng tới nhịp bước khoan thai và nụ cười nhàn nhã bên khóe môi y.

Y mỉm cười nghiêng đầu nhìn về phía Lâm Thủy điện, lập tức có nữ tử đứng sau bức rèm châu kinh ngạc thốt lên: "A, Vận Vương điện hạ!"

Anh Phất sau khi nhìn rõ diện mạo y cũng cảm thấy bất ngờ: nam tử anh tuấn nhường vậy, dù là trong hoàng thất cũng rất hiếm có.

Triệu Khải đi tới mạn thuyền, hành lễ với phụ hoàng trong Lâm Thủy điện, sau đó lại bước tới bên chiếc xích đu trên thuyền, hiên ngang đứng thẳng, nâng sáo kề môi, âm thanh trầm bổng tức thì nổi lên.

Một thiếu niên lại đạp lên tiếng nhạc từ trong khoang thuyền bước ra. Y nhỏ hơn Triệu Khải mấy tuổi, đoán chừng mới mười sáu mười bảy, hoàn toàn không giống với Triệu Khải lãng tử tiêu sái. Trong vẻ tuấn tú của y còn ẩn chứa một chút lạnh nhạt, đôi môi mím chặt, thần sắc toát ra vẻ nặng nề và nghiêm túc không phù hợp với lứa tuổi, cũng đang mặc trường bào, thế nhưng là một chiếc áo tay hẹp màu xanh nhạt.

Sau khi hướng về phía Lâm Thủy điện hành lễ, y nhấc chân nhảy lên xích đu, sau đó nhún người thay tiếng sáo của Triệu Khải, đều đặn đánh nhịp. Tiếng sáo càng lúc càng dồn dập, mà thiếu niên cũng vút bay càng lúc càng cao, lơ lửng giữa không trung. Nhạc đi tới khúc cao trào, nhạc cụ trên thuyền đậu hai bên cũng dần dần nổi lên hưởng ứng, mà khung xích đu gần như đã song song với trần. Cảnh tượng ngày càng trở nên gay cấn, khiến các mỹ nhân cung nhân phía sau rèm châu cũng quên cả lễ tiết, chen lấn ùa ra cửa, vén rèm lên quan sát chiếc xích đu trên thuyền.

Lúc này, thiếu niên đang tung bay trên điểm cao nhất đột ngột nhảy xuống, tung mình rời xích đu, lộn nhào hai vòng trên không trung, sau đó gieo mình xuống mặt nước, khiến một tầng bọt nước nổi lên rồi nhanh chóng tan ra thành những con sóng hiền hòa, mặt nước lại khôi phục vẻ yên tĩnh ban đầu.

Các cung nhân nhất tề phấn khởi cổ vũ, tiếng ngợi khen vang lên không dứt. Trịnh Hoàng hậu cũng mỉm cười nói với Triệu Cát: "Cửu quan nhân học đánh đu từ khi nào vậy? Chắc hẳn cũng tốn không ít công sức, thật là làm khó đứa nhỏ này rồi."

Triệu Cát gật đầu mỉm cười, dáng vẻ vô cùng vui thích.

Anh Phất đứng một bên nghe, mới biết được hóa ra thiếu niên này chính là vị cửu điện hạ "không thích nói chuyện" mà các cung nữ tỷ tỷ từng nhắc tới - Khang vương Triệu Cấu.

Sau đó là màn đua thuyền đặc sắc. Trên mặt hồ có thuyền rồng nhỏ, thuyền đầu hổ, thuyền cá thu, thuyền cá chuồn chen chúc nhau trên mặt hồ. Khi chèo tới trước Lâm Thủy điện thì chia thành hai đội đậu ở hai mé, thuyền rồng nhỏ đậu gần điện nhất, mà thuyền đầu hổ, cá chuồn lần lượt xếp phía sau, hình thành thế cục hai trận. Sau một lát chờ đợi, có một người cầm cờ đỏ bước tới sảnh Lâm Thủy điện. Anh Phất chăm chú nhìn, bất ngờ phát hiện ra đó lại là Khang vương Triệu Cấu.

Y lúc này đã thay một bộ cẩm bào thêu chỉ vàng, eo mang thắt lưng, cả người như phát sáng dưới ánh mặt trời. Vẫn là dáng vẻ không thích nói cười ấy, chỉ chuyên chú phất cờ. Những chiếc thuyền rồng kia theo tiếng trống chiêng lần lượt xuất phát, di chuyển theo đường vòng, cùng nhau xếp thành thế trận tròn.

"Trận này có tên là 'Toàn La'." Một giọng nói vang lên bên cạnh, Anh Phất quay đầu lại nhìn, phát hiện ra người lên tiếng là Triệu Khải. Không biết y đã tiến vào trong điện từ lúc nào, đang giải thích trận hình thuyền rồng với Hoàng thượng Hoàng hậu. Cảm giác được Anh Phất đang nhìn mình, y bèn quay đầu sang bình thản đối diện, bên trong ánh mắt ôn hòa vẫn giữ nguyên ý cười. Anh Phất bất giác vội vã cúi mặt, rồi lại nâng tầm mắt quan sát thuyền rồng bên ngoài.

Chỉ thấy Triệu Cấu lại dùng cờ đỏ chỉ huy, phất qua trái phải, thuyền hai bên lập tức tản ra, tụ về hai phía, rồi mỗi bên lại dàn thành trận hình tròn.

"Đây gọi là 'Hải Nhãn'." Triệu Khải tiếp tục nói.

Triệu Cấu phất cờ liệng qua giữa không trung, hai đội thuyền lại tản ra.

Triệu Khải tươi cười: "Đây là 'Giao Đầu'."

Sau đó Triệu Cấu lại phất cờ, hai đội một lần nữa xếp thành hàng ở phía đông và tây của Lâm Thủy điện. Một chiếc thuyền nhỏ tách hàng đi ra, trên cột trao một chiếc đèn lồng bọc gấm nan bạc, cắm ở gần Lâm Thủy điện làm chuẩn. Triệu Cấu đợi hắn cắm xong lại nâng cờ, kiên quyết phất xuống, hai đội thuyền lập tức nổi trống xáp lại gần nhau, lao thẳng tới mục tiêu. Những người tới đích trước vui sướng không nén được, dẫn mọi người cùng hướng về phía Lâm Thủy điện quỳ bái, hô ba lần "vạn tuế". Sau đó nghi thức tương tự lại diễn ra dưới sự chỉ huy của Triệu Cấu, cứ như vậy ba lần mới kết thúc cuộc đua thuyền hôm ấy.

Đua thuyền đã kết thúc, Triệu Cấu dời bước tiến vào Lâm An điện yết kiến phụ hoàng. Triệu Cát long nhan đại duyệt, ban thưởng hậu hĩnh cho y và Triệu Khải, ban cho bọn họ vô số vàng bạc và cống phẩm, mà Triệu Cấu được nhiều hơn một chút.

Triệu Cấu quỳ xuống tạ ơn, sau đó đứng lên trở về chỗ ngồi. Khoảnh khắc y ngẩng đầu, Anh Phất trông thấy ánh mắt y đã sáng lên thần sắc kiêu ngạo, nụ cười nhàn nhạt treo trên khóe môi mang đầy vẻ tự tin vững vàng. 

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com