ZingTruyen.Com

Một Số Giả Thuyết Và Phân Tích Về Bungou Stray Dogs

Mori Ougai là người tuân theo chủ nghĩa triết học nào?

lacming

Ban đầu tính không làm chủ đề này đâu tại nó khá loằng ngoằng, nhưng mà chả hiểu sao giờ lại ngồi viết đây. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ cần làm một series kiểu triết học các thứ đồ về các nhân vật Gogol, Fyodor, Dazai và Chuuya nữa (nhất là cậu nhà, không hiểu sao gần đây cứ bị chê là "nông cạn" thế)

Cảnh báo: bài viết sẽ khá đau đầu nên hãy dành một tâm lý thư giãn rồi mới đọc nó nhé.
.
.
.
.
.
.
.
Có thể khẳng định rằng, Mori là một trong những nhân vật được xây dựng thành công nhất trong vũ trụ BSD. Hành động cực kì lý trí trong mọi hoàn cảnh, lối tư duy logic và gần như không có hành động OOC nào tính tới thời điểm hiện tại. Tôi biết ở cả trong và ngoài nước, Mori có rất nhiều anti-fan, nhưng đó chẳng phải là một biểu hiện cho thấy sự tài tình của Asagiri sao? (Tôi rất ghét kiểu phản diện "nửa vời", tốt chả ra tốt, xấu chả ra xấu.)

Và không lảm nhảm nữa...

Tôi có khá nhiều cơ sở để nói rằng Mori là người hành động theo chủ nghĩa thực dụng (hay pragmatism).

Chủ nghĩa thực dụng được hiểu nôm na là một quy cách ứng xử dựa trên tình hình thực tế, do đó hành động thiết thực được đặt trên lý lẽ có tính lý thuyết. Trong chủ nghĩa thực dụng, chân lý của một lý thuyết được đánh giá bởi thành công thực tế của nó, cho nên hành động thực dụng không gắn liền với nguyên tắc bất biến.

Đến đây, chúng ta có một từ khoá rất quan trọng, đó là "chân lý". Để hiểu rõ hơn về chủ nghĩa thực dụng và chân lý của nó, ta cần nói về W.James cùng Học thuyết về chân lý của ông, người đã đưa chủ nghĩa thực dụng lên đỉnh cao, sự ưu thắng đối với các trường phái triết học khác trong những thập niên đầu thế kỷ XX trong xã hội Mỹ.

Ông đã đưa ra một định nghĩa kinh điển về chân lý: "Chân lý là cái gì đem lại những hậu quả có ích". Chân lý là những điều không phải trừu tượng, chung chung mà rất cụ thể: chân lý cho ai (cá nhân, nhóm người, hay tập thể,...). Và chân lý sẽ được phân hạng tùy thuộc vào tính chất của lợi ích: tính chất lợi ích hạn hẹp cục bộ (chân lý thuộc hạng thấp) và tính chất lợi ích rộng rãi, bền vững, lâu dài (chân lý thuộc hạng cao). Tất cả những loại chân lý này đều hiện diện trong cuộc sống và chúng sẽ va chạm, đấu tranh với nhau để khẳng định mình. Những chân lý nào thể hiện được tính thuyết phục, tính chắc chắn, đứng vững được sẽ là những chân lý được tin cậy. Và cũng theo W.James, chân lý dựa vào tính lợi ích sẽ không bao giờ có những loại chân lý vĩnh cửu hay chân lý đúng mãi mãi với hiện thực.

Quay trở lại với chủ nghĩa thực dụng, lý luận về chân lý của nó cho rằng tư duy của con người chỉ là một cách thức của kinh nghiệm, là hành vi thích ứng và chức năng phản ứng của con người.không đưa lại một hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Muốn xét một quan niệm nào đó có phải là chân lý hay không, thì không cần phải xem nó có phù hợp với thực tế khách quan hay không, mà phải xem nó có đem lại hiệu quả hữu dụng hay không. Tức là hữu dụng và vô dụng đã trở thành tiêu chuẩn để phân biệt chân lý với sai lầm.

Tóm lại, ta có thể nói rằng chủ nghĩa thực dụng là một quan điểm triết học đề cao tinh thần năng động, nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển để biết thích nghi với thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, điều kiện của đời sống và với chân lý đề cao tính hiệu quả, sự ích lợi cho những hoạt động, hành động, những công việc được tiến hành.

Khi đánh giá nhân vật Mori Ougai, cá nhân tôi cho rằng ông là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của BSD nhờ tư duy cực kỳ logic trong mọi tình huống, và khả năng "nhìn người" và "dùng người" đỉnh cao.

Trở về 7 năm trước, khi Mori nhận ra sai lầm khủng khiếp của mình khi lựa chọn Dazai làm tòng phạm, ông đã nghĩ như thế này.

Nhưng việc mắc sai lầm không phải lúc nào cũng tồi tệ đến thế. Mori đã nhặt được Dazai như nhặt một cục đá có thể tùy ý vứt bỏ, ai ngờ đâu hòn đá ấy lại trở nên quá khổ.

Ông không thể ngay lập tức trừ khử Dazai hay để mặc cậu ấy tự tử vì điều ấy sẽ ảnh hưởng đến vị trí của ông trong PM bấy giờ, khi những người ủng hộ vị boss tiền nhiệm vẫn còn "ẩn mình" chờ đợi thời cơ. Thêm vào đó, sau cả một năm ở cùng Dazai từ khi họ cùng thực hiện kế hoạch ám sát, Mori đã nung nấu ý định bồi dưỡng Dazai thành "cánh tay phải" đắc lực của mình. Đương nhiên không phải ông hoàn toàn tin tưởng Dazai. Mà là ông tin tưởng khả năng "nhìn người" của mình. Mori cảm thấy "trong cái rủi có cái may", khi ông có thể biến tình hình hiện tại trở thành lợi thế: "thuyết phục" Dazai gia nhập PM. Thật ra nó giống như một thoả thuận thì đúng hơn. "Gia nhập PM và trở thành quân cờ của ta, ta sẽ cho cậu thứ cậu hằng ao ước - sự giải thoát khỏi cuộc sống tăm tối này."

Sự linh hoạt và nhạy bén của Mori còn được thể hiện trong hai tình huống giữa Chuuya và Oda.

Với Chuuya, ông đã trả một cái giá rất lớn để giành được cậu về tay. The Flags, nhóm bạn thân toàn là những ứng cử viên sáng giá cho chức điều hành viên cấp cao của Chuuya, đều đã trở thành "con tốt thế mạng" cho ông và Dazai. Khi Verlaine đòi cướp lấy "viên kim cương" ông miệt mãi rèn giũa, ông đã ban lệnh cho Dazai đem 422 binh lính của PM và 28 người mang siêu năng lực để diệt tận gốc anh ta, bao gồm cả những người mang sức mạnh đủ để khuynh đảo thế giới như khả năng thao túng thời gian cực hiếm gặp với ví dụ là H.G.Wells từ light novel 55 minutes. Đây thực sự là một đội quân khổng lồ, có thể nói Mori đã đầu tư cả gia tài vào Chuuya. Bởi vì tiềm năng vô hạn của cậu trong tương lai hoàn toàn xứng đáng với chi phí phải bỏ ra lúc này. (Và giờ thì cậu ấy đang được Dazai dạy cách tập bơi dưới hình dáng vampire. Thật là tình chiến hữu hết sức cảm động.)

Còn với Oda, thì...

"Dazai à, ở cương vị của boss, ta vừa là người đứng đầu của một tổ chức, cũng vừa là nô lệ của chính tổ chức ấy. Để Mafia Cảng có thể tồn tại, ta phải khiến cho cơ thể này ngập chìm trong dơ bẩn. Cắn nuốt sức mạnh của kẻ thù, kích thích cho người của phe ta vươn tới tiềm năng cực hạn của họ, để cho tổ chức này tiếp tục hiện diện và mãi phồn vinh, hợp lý mà nói thì, dù cho hành động cần thiết đưa ra có độc ác tới nhường nào ta cũng phải vui vẻ thực hiện. Cậu có hiểu những gì ta đang cố gắng truyền đạt không?

Tức là một binh lính tầm thường cũng không được phái ra cứu giúp Oda chứ đừng nói việc ban hành sự ứng trợ từ một nhóm siêu năng lực gia ngang ngửa điều hành cấp cao của Dazai. Vì với Mori, một nhân vật cấp thấp như Oda không có giá trị khổng lồ như "viên kim cương" Chuuya (cậu ấy còn là hiện thân của thần linh •́⁠ ⁠ ⁠‿⁠ ⁠,⁠•̀). Quan trọng nhất, thông qua loại trừ Mimic, ông lại có được "giấy phép kinh doanh siêu năng lực" từ chính phủ, và cùng lúc đó, "tống cổ" Dazai khỏi PM cũng là hành vi cần thiết. Một mũi tên trúng hai đích.

Và khi cuộc chiến ba phe giữa The Guild, PM và ADA bùng nổ, Mori vẫn giữ thái độ rất là "chill" khi để cho Chuuya của PM và Dazai của ADA trở về làm bộ đôi Soukoku đình đám năm nào chỉ trong một đêm duy nhất (ổng còn hỏi xem Dazai muốn về PM làm điều hành viên không :)))))"Không có bạn bè vĩnh cửu, không có kẻ địch vĩnh hằng, chỉ có lợi ích là trường sinh bất lão."

Tương tự như trong Dead Apple, Mori cũng "lùa" Chuuya đi để cậu cứu Dazai. Và mọi người có để ý rằng thái độ của Mori đối với Chuuya luôn có sự ân cần và từ tốn nhất định không, hơn hẳn với các điều hành viên khác, ông còn chịu khó giải thích kế hoạch và suy nghĩ của mình cho cậu nữa. Có lẽ ở một phương diện nào đó, hai "viên kim cương" của Mori cũng tương đối được để ý đấy nhỉ?

_________
Cảm ơn mọi người đã đọc. Phân tích kiểu này đau đầu thật ấy, cho cả người viết và người đọc ಥ⁠‿⁠ಥ

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com