ZingTruyen.Com

[Ebook] Căn Bếp Âm Dương - Ngô Bán Tiên (Chương 1-200)

Chương 195: Ngưu Lang Chức Nữ Thước Kiều Hội

hoanglong04101995

Bạch Thường dùng chiếc đũa gắp con nhện to đùng kia đi vào trong bếp, một lát sau, mùi thơm bắt đầu lan ra từ hướng đó.

Sắc mặt Mã Dao Quang chợt đổi: "Chắc cái tên đó không đem con nhện đi chiên giòn đấy chứ?".

"Nhện khổng lồ chiên giòn, nghe thôi là thấy kinh khủng rồi.".

Linh Nhi lè lưỡi, vẻ mặt khá sợ hãi.

Chỉ trong vài phút, Bạch Thường đã bưng một cái đĩa bước ra.

Mùi thơm khá đặc biệt nhẹ nhàng bốc lên, Mã Dao Quang nói: "Anh mang con nhện đi chiên giòn rồi định dùng nó để hấp dẫn Cổ Mẫu ra hả?".

"Không phải, chỉ có một con nhện thì hoàn toàn không đủ để hấp dẫn Cổ Mẫu được.".

"Thế thì anh còn có thể làm thêm cái gì nữa?".

Bạch Thường đặt cái đĩa lên bàn: "Tự xem đi, món tôi làm có một cái tên đó là Ngưu Lang Chức Nữ Thước Kiều Hội.".

Mã Dao Quang và Linh Nhi cùng nhìn sang, chỉ thấy trong cái đĩa đó chứa một nửa thịt bò xào, nửa kia là nhện chiên giòn được cắt thành bốn miếng.

"Thì anh cũng làm món nhện chiên giòn đó thôi, cùng lắm là thêm một chút thịt bò, vậy thì có khác biệt gì to lớn lắm đâu.".

"Từng đó thôi là khác rồi, thịt bò của tôi còn có tên là Hồi Hồn Hương, nói cách khác, dù có là người chết thì ngửi thấy mùi món ăn này cũng sẽ hoàn hồn về. Hơn nữa con nhện chiên giòn này cũng khá là thơm ngon.".

"Nhưng mà nó liên quan gì đến Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên cầu Hỉ Thước?".

"Ngưu Lang ấy hả, chính là thịt bò đây.".

"Vậy Chức Nữ đâu, chẳng lẽ là con nhện?".

"Đúng đó, Chức Nữ, Tri Chu, chẳng những tên không khác nhau lắm, mà Chức Nữ là dệt vải, còn nhện thì giăng tơ, cũng không khác nhau là mấy...".

"Được rồi, xem như là anh lợi hại, tôi phát hiện ra đầu bếp các anh có đầu óc tưởng tượng cũng khá là phong phú đó, đặt tên cho món ăn thôi mà cũng có thể vẽ ra đủ kiểu như thế được.".

Mã Dao Quang nhún vai, cạn lời.

Linh Nhi lại chỉ vào đĩa thức ăn đó nói: "Anh ba ba, Ngưu Lang Chức Nữ đều có rồi, vậy cây cầu Hỉ Thước đâu?".

"Cầu Hỉ Thước... Dễ mà.".

Bạch Thường thuận tay cầm lấy một chiếc đũa đặt ngay giữa cái đĩa.

"Đây, cầu Hỉ Thước đây...".

"Ha ha, anh ba ba thật là thông minh.".

"Anh bảo này Tiểu Linh Nhi, em có thể gọi là anh, cũng có thể gọi là ba ba, nhưng em cứ gọi là anh ba ba như thế, em không biết làm thế là đang ăn gian số chữ à, thế thì làm sao anh có thể ăn nói được với độc giả đây...".

"Hả, là sao? Độc giả là cái gì thế?".

"À, không có gì, độc giả chính là những người đáng yêu nhất trên đời này... Suỵt! Mau mau mau nhìn kìa, cái túi đang cử động!".

Bạch Thường nói linh ta linh tinh xong thì thấy chiếc túi trên bàn bỗng nhiên cử động.

Từ bên trong túi chậm rãi ló ra một con sâu màu trắng pha vàng, mập mạp tròn trịa bò ra.

Con sâu mập chỉ lộ ra mỗi cái đầu nhìn đông ngó tây, dường như đang tìm kiếm xem mùi hương từ đâu bay đến.

Bỗng nhiên, nó phát hiện được đĩa thức ăn cách đó không xa, bèn lắc lư cái đầu, cơ thể nhanh chóng vụt ra.

Tốc độ này quá là nhanh, đám Bạch Thường chỉ nhìn thấy một cái bóng lướt qua, ngay sau đó, trong đĩa thức ăn đã xuất hiện một con sâu béo núc ních to bằng ngón tay cái.

Nhưng con sâu đó không hề tạo cho người ta cảm giác đáng sợ, cũng không thấy ghê tởm mà ngược lại còn rất đáng yêu.

Điều khiến con người ta kinh ngạc là con sâu chậm rãi di chuyển trong cái đĩa, đi đến đâu thì thức ăn cũng từ từ giảm dần đến đấy.

Mọi người trơ mắt nhìn chằm chằm, chỉ trong thời gian vài phút, đĩa thức ăn đã sạch bong sáng bóng, không ngờ tất cả đều bị nó ăn hết.

Kỳ quái là con sâu này chỉ lớn từng đó, thế mà lại có thể ăn cả đĩa thức ăn to như thế, không còn sót một miếng nào.

Vậy nó để đống đồ ăn đó ở đâu?

Hơn nữa, nó ăn xong mà trông vẫn còn thèm thuồng lắm, cứ lắc lư cái đầu, chậm rãi bò qua bò lại trong đĩa như đang tìm kiếm thứ gì.

Linh Nhi bên cạnh thấy thú vị bèn lấy một cái đùi gà thả vào đĩa, nhỏ giọng nhẹ nhàng nói: "Gà hầm nấm này ăn ngon lắm đó, cưng phải ăn nhiều lên mới mau lớn mau mập được nha.".

Dường như con sâu có thể nghe hiểu lời con bé nói, vừa gật đầu vừa bắt đầu ăn thịt gà.

"Thứ bé tí này là Cổ Mẫu thật sao?".

Mã Dao Quang hơi khó tin nói, con sâu béo núc ních này trông chẳng khác gì cái loại thích tỏ ra dễ thương và chuyên ăn hàng, có chỗ nào giống một con Cổ Mẫu đáng sợ đâu?

Bạch Thường cũng nghệt mặt ra, sờ mũi nói: "Cái này... Hình như là đúng rồi đó, mặc dù tôi cũng chưa từng thấy nó bao giờ, nhưng con Cổ Mẫu này... Theo một góc độ nào đó mà nói thì cũng không lệch đi đâu được, đúng là nó ăn rất khỏe.".

Lúc này, con Cổ Mẫu đã ăn sạch cái đùi gà, chỉ còn trơ xương, nó lại ngửa đầu lên tìm tòi xung quanh.

Có thể lờ mờ nhìn thấy hai chấm đen nhỏ xíu không rõ ràng trên đỉnh đầu nó, ắt hẳn đó là đôi mắt của Cổ Mẫu.

Nhưng rõ ràng là mắt của nó không được tốt, cả chén thịt gà lớn nằm trên cái bàn cách nó không xa, ấy vậy mà nó lại không hề nhìn thấy.

Bạch Thường dứt khoát bưng sang hết rồi đặt trên bàn mà nói: "Này ăn đi ăn đi, ăn cho đã cái nư của ngươi đi, ta biết ngươi bị nhốt trong mật thất rất lâu rồi nên chắc hẳn là đói bụng lắm, nếu từng này không đủ thì trong tủ lạnh của ta còn có một đống thịt heo đông lạnh, tôm, mực và cả thịt bò nữa..."

"Thôi mà, anh làm ơn làm phước đừng có nói nữa, anh nói xong tôi cũng thấy đói bụng rồi đây này.".

Vừa dứt lời thì bụng Mã Dao Quang lại đúng lúc kêu lên ọt ọt.

Cổ Mẫu chẳng quan tâm đến nhiều thứ như thế, nó kêu chít chít rồi cắm đầu vào chén gà hầm nấm...

Bạch Thường cạn lời, lúc này mới quay sang nói với Linh Nhi: "Liệu có phải con này cũng đến từ Đông Bắc giống như em không...".

"Haizzz... Mình còn thua cả một con sâu.".

Mã Dao Quang ngồi xuống, chống cằm nhìn chằm chằm Cổ Mẫu.

"Tôi rất muốn nhìn xem nó rốt cuộc có thể ăn được bao nhiêu.".

"Hay là tôi đi làm cho cô chút gì đó để ăn nha?".

Bạch Thường hỏi, Mã Dao Quang lắc đầu: "Thôi khỏi đi, trước mặt nó thì đừng ai hòng ăn được món gì, anh giành lại nó không?".

"Cũng đúng, thôi... Tạm thời nhịn đói vậy.".

Ba người trơ mắt nhìn con Cổ Mẫu ăn hết gà hầm nấm, kết quả là nó chỉ giải quyết cả chén trong vòng ba phút.

Cả chén gà hầm nấm to đùng, mà Linh Nhi chỉ mới ăn hơn một nửa, còn lại đều để cho con sâu kia giải quyết hết.

Trước sự trợn mắt há hốc miệng của đám Bạch Thường, hình như bây giờ con sâu đó mới có vẻ no nê, nó lắc lắc đầu làm dáng một hồi, trông có vẻ đang thể hiện lòng biết ơn với Bạch Thường, sau đó cong người lại, bắn một cái vèo như tên lửa vào trong túi.

Cơm no rượu say rồi thì nó cũng biết đường về nhà ấy chứ đùa đâu...

Một lần nữa đóng cái túi lại, Bạch Thường cũng thấy lúng túng thế nào ấy bèn gãi đầu nói: "Thứ này, chắc là không có cắn tôi đâu nhỉ?".

"Sao mà có chuyện đó được, cổ trùng là loài cực kỳ nhận chủ, lúc nãy anh cho nó ăn nhiều thứ ngon như thế, nó thích anh còn không kịp thì làm sao mà cắn anh được.".

Lời phân tích của Mã Dao Quang cũng giúp Bạch Thường thả lỏng tinh thần được phần nào, nhưng hắn suy nghĩ một lát rồi lại nói: "Đúng rồi, nếu nó ở bên cạnh tôi thì chẳng phải sẽ hấp dẫn nhiều độc trùng đến đây hơn ư, thế thì quán cơm này sẽ thành nơi rắn rết tụ họp à, vậy thì hơi bị náo nhiệt ấy.".

"Yên tâm đi, không có nhiều độc trùng đến vậy đâu, tôi từng nghe nói một khi Cổ Mẫu xuất hiện thì sẽ hấp dẫn độc trùng trong bán kính mấy chục dặm đến, vậy nên đám độc trùng ban nãy chắc là tất cả những thứ độc địa ở gần đây rồi, sau này anh có muốn tìm một con e là cũng khó ấy chứ.".

"Được rồi, nhưng mà tên nhóc này đã được ăn thịt rồi, sau này phải làm sao bây giờ?".

"Lo cái quái gì thế, dù sao nơi này của anh cũng là quán cơm, anh lại nhiều tiền như thế thì cứ nuôi thôi chứ sao, một con hồ ly anh còn nuôi được huống chi là một con sâu ăn hàng, đúng không?".

Nói xong, Mã Dao Quang khoát tay nói: "Bỏ đi, tôi không ở đây nói nhảm với anh nữa, ngày mai vụ án của Thiệu Thiết Trụ sẽ được thẩm tra, tôi còn phải trở về chuẩn bị một chút."

"Mai là chính thức thẩm tra rồi hả? Theo cô thì kết quả sẽ thế nào?".

"Không tốt lắm, Thiệu Thiết Trụ có chống lưng quá lớn, nó không hề đơn giản như những gì anh tưởng đâu, nhưng mà anh cũng không cần phải lo lắng, có tin tức gì tôi sẽ báo anh ngay, anh vẫn nên tập trung chuẩn bị cho Đại Hội Luận Võ của anh đi.".

"Hay là cô ở lại ăn chút gì đó rồi đi?".

"Không ăn, hơn nửa đêm rồi, ăn khuya sẽ mập lên đó, tôi đi đây.".

Mã Dao Quang nói đi là đi, ra đến cửa thì ngẩng đầu lên nhìn Dẫn Hồn Đăng, trông thấy ánh đèn ngày càng trở nên yếu ớt giữa màn đêm đen.

"Chiếc đèn này của anh nên được châm thêm dầu rồi đó.".

Giọng Mã Dao Quang vang lên ngoài cửa, rồi đi xa dần trong màn đêm.

----------------------------------------

- Tri chu - 蜘蛛 /zhīzhū/: Đồng âm với chữ Chức trong Chức Nữ (zhīnǚ)

- Ngưu Lang Chức Nữ - 牛郎织女 /niúlángzhīnǚ/: Còn có tên gọi khác theo ngôn ngữ Việt Nam là Ông Ngâu Bà Ngâu, là một câu chuyện cổ tích rất nổi tiếng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Câu chuyện nổi lên từ thời nhà Hán qua lễ Thất tịch, và theo dòng chảy văn hóa câu chuyện này lan qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Do sự phổ biến và tính văn hóa cao, câu chuyện này trở thành một trong Tứ đại dân gian truyền thuyết của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà truyện, Mạnh Khương Nữ và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.

Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ (Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), dải Ngân Hà và hiện tượng mưa ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam, ở Trung Quốc gọi là lễ Thất tịch.

+ Tóm Tắt Nội Dung: Câu chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ gồm nhiều phiên bản

(1) Phiên bản Việt Nam

Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào Thất tịch - ngày 7 tháng 7 âm lịch. Truyền thuyết 1 ngày trên trời bằng 1 năm dưới đất, nên thực tế ở trên trời ngày nào Ngưu Lang và Chức Nữ cũng gặp nhau. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được mời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau.

Có lẽ do tích này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

(2) Phiên bản Trung Quốc

Chàng chăn bò trẻ tuổi tên Ngưu Lang nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui vẻ với nhau. Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ ra để lấy lại váy áo. Nàng đành phải làm theo, nhưng do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu "Nam nữ thụ thụ bất thân" của lễ giáo phong kiến).

Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng Thiên Hậu - trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ - nhận ra rằng một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã điên tiết (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công việc đó kể từ khi lấy chồng). Rút cái kẹp tóc của nàng ra, Thiên Hậu đã vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi mãi (vì thế tạo ra sông Ngân và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của dải Ngân Hà).

Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).

Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên trời để làm cầu (鵲橋, "Ô kiều") phía trên sao Deneb trong chòm sao Cygnus để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng Bảy âm lịch. Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi tháng được gặp nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được quả "Hoa Tiên" (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa.

(3) Phiên bản Nhật Bản

Theo cách kể của dân gian Nhật Bản, Ngọc hoàng Thượng đế có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume (còn gọi là Orihime). Nàng đem lòng thương mến anh chàng chăn bò Hikoboshi. Dù không môn đăng hộ đối nhưng vì thương và chiều con nên Ngọc hoàng vẫn đồng ý gả công chúa cho chàng chăn bò. Sau khi cưới, hai vợ chồng quá quấn quít lấy nhau, cả ngày chỉ biết vui chơi mà bê trễ công việc. Tanabata-tsume không dệt vải, còn Hikoboshi để đàn bò đi lạc lên cung trời.

Tình trạng này khiến các vị thần tức giận, tâu lên Ngọc hoàng phạt đưa hai vợ chồng đến ở hai bên sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7/7. Vào ngày này, đàn quạ được lệnh lấy thân mình làm cầu cho họ qua. Năm nào trời mưa vào ngày Thất tịch thì đàn chim không thể bắc cầu do dòng sông trời dâng nước quá cao, và hai người không được gặp nhau.

+ Ý Nghĩa Của Ngày Ngưu Lang Chức Nữ

Ngày 7/7 âm lịch hàng năm tại các nước Châu Á được chọn làm ngày Tình Yêu.

Tại Trung Quốc, ngày này được gọi là Lễ hội Qixi, Nhật Bản có Tanabata, Lễ hội Chilseok ở Hàn Quốc thì khi du nhập vào Việt Nam nó thành Ngày Thất tịch.

Cũng giống như ngày lễ Valentine của Phương Tây, Ngày thất tịch cũng là ngày dành cho những người yêu nhau.

Tuy nhiên, đi kèm theo đó là nhiều lễ hội mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn.Ngày này tại Việt Nam được gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu".

Vào ngày này những cặp đôi yêu nhau thường đến chùa và làm lễ, cầu mong cho tình duyên được son sắt.Vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm nếu trời không mưa, những cặp đôi thường ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ và thề hẹn.

Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng và người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ trong đêm 7/7 âm lịch thì sẽ mãi ở bên nhau.

+ Ý Nghĩa Ngày Lễ Thất Tịch Ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu". Các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt.

Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, mưa là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".

Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng.

Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 sẽ mãi mãi bên nhau.

Ở Hà Nội, vào ngày này, giới trẻ thường đổ về Chùa Hà để cầu duyên, cầu tình. Sở dĩ chùa là địa điểm cầu tình là bởi sự linh ứng truyền tụng trong dân gian nhưng đồng thời cũng gắn với truyền thuyết thời Lý.

Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này.

+ Ngày Thất Tịch Của Người Hàn Quốc

Lễ Thất Tịch trong văn hóa của người Hàn Quốc còn được gọi là lễ Chilseok, ý nghĩa và các hoạt động cũng có khá nhiều khác biệt so với văn hóa Trung Hoa. Lễ Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.

Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.

+ Ăn Đậu Đỏ Vào Ngày Lễ Thất Tịch Để Cầu Nhân Duyên

Vào ngày lễ Thất Tịch, ăn đậu đỏ cũng được xem là đồng nghĩa với việc cầu duyên.

Cũng chính bởi ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ Thất Tịch với câu chuyện tình "vượt núi vượt sông" ấy mà nhiều người luôn cho rằng ngày 7 tháng 7 Âm lịch là ngày để cầu nhân duyên. Các cặp đôi yêu nhau thường cùng đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên được bền vững, son sắt và hạnh phúc.

Ngoài ra, vào ngày lễ Thất Tịch, ăn đậu đỏ cũng được xem là đồng nghĩa với việc cầu duyên. Theo truyền thuyết, những người ăn đậu đỏ vào ngày này nếu độc thân thì sẽ nhanh chóng tìm được ý chung nhân, còn nếu đã có đôi có cặp thì sẽ bên nhau lâu dài, tình cảm bền vững.

Trong Cổ thi thập cửu thủ (古诗十九首 - Mười chín bài cổ thi- vô danh), có bài thơ về đề tài này:

Nguyên bản chữ Hán

迢迢牽牛星 皎皎河漢女

繊繊擢素手 扎扎弄機杼

終日不成章 泣涕零如雨

河漢清且浅 相去復幾許

盈盈一水間 脈脈不得語

Phiên âm

Điều điều Khiên Ngưu tinh, kiểu kiểu Hà Hán nữ.

Tiêm tiêm trạc tổ thủ, trát trát lộng ky trữ.

Chung nhật bất thành chương, khấp thế linh như vũ.

Hà Hán thanh thả thiển, tương khứ phục ki hứa?

Doanh doanh nhất thủy gian, mạch mạch bất đắc ngữ."

Dịch thơ

Xa xa kìa sao Ngưu, sáng sáng Ngân Hà nữ.

Nhỏ nhỏ tay trắng ngần, rì rào khung cửi gỗ.

Trọn ngày không thành lời, khóc nghẹn lệ như mưa.

Ngân Hà xanh lại nông, ngăn trở xa thế hử?

Nhởn nhơ một dòng nước, cách biệt không ra lời.

- Hỉ Thước - 鹊桥 /quèqiáo/: Chim khách hay còn gọi là Hỉ Thước, thời cổ từng được gọi là Thần nữ. Dân gian cho rằng chim khách là loài chim báo tin vui, có khả năng dự đoán thần kỳ những sự việc sắp xảy ra. Chim khách không thích tối tăm ẩm ướt, chỉ kêu khi trời lạnh ráo nên còn được gọi là Dương điểu (Chim mặt trời). Người ta nhận thấy, chim khách có thể nhận biết phương vị của sao Thái Tuế, bởi lối vào tổ của nó luôn hướng về phía chòm sao này và thay đổi theo hướng đi của sao. Chim khách còn nhận biết được gió, nếu như năm nào đó nhiều gió nó sẽ làm tổ chỗ cành cây tương đối thấp để tránh gió.

Trong văn hóa Trung Quốc, Hỉ Thước chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Hình ảnh chim Hỉ Thước giữa bầu trời xanh mây trắng là biểu tượng may mắn, là thiên sứ đem niềm vui đến cho mọi nhà. Truyền thuyết kể rằng, Ngưu Lang Chức Nữ vì đem lòng yêu thương nhau, bỏ bê công việc khiến Ngọc Hoàng giận dữ, phạt họ bị ngăn cách bởi dài ngân hà và không được gặp nhau. Thương cảm cho đôi uyên ương phải xa cách, vậy nên vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, Hỉ Thước liền bay tới nối nhau thành chiếc cầu để cho đôi tình nhân này mỗi năm được gặp nhau một lần - "Chung chiêng Ô Thước bắc cầu - Một lần gặp gỡ đậm màu biệt ly". Cũng chính vì truyền thuyết này nên chim Hỉ Thước được xem là biểu tượng của sự kết nối, thường được dùng để làm món quà với ngụ ý chúc phúc cho hôn nhân bền chặt. Hình tượng Hỉ Thước được ứng dụng rộng rãi vào các thiết kế, nhất là trong những bức tranh dùng để trang trí nhà cửa.

Nên mọi người hay nhầm lẫn Hỉ Thước với Ô Thước nha, vì chúng cũng có màu đen trên người.

----------------------------------------

#Ryuu #CBAD #CanBepAmDuong #NguyenHoangLong #NgoBanTien #QuanAnDem #hiimRyuu

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com