ZingTruyen.Com

[ĐM] Ba lần gả cho cá muối

Chương 44

betrayal1988

Từ khi sớ từ quan đầu tiên của Cố Phù Châu được gửi đến kinh thành, Hoàng đế và trọng thần tâm phúc đã bàn bạc việc này khá lâu. Có người nói Cố Phù Châu cầm quân nhiều năm, chiếm được lòng quân, tiếng tăm lẫy lừng. Cứ thế mãi e rằng các tướng sĩ chỉ nghe quân lệnh chứ không nghe hoàng mệnh. Nếu Cố Phù Châu đã xin từ bỏ binh quyền để về kinh thì cũng xem như trừ được mối họa ngầm cho Đại Du.

Phe do Tiêu Tranh cầm đầu lại khịt mũi coi thường cách nói này. Giờ chiến sự ở Tây Bắc chưa ngừng, cho Cố Phù Châu trở về sẽ chỉ làm dao động lòng quân khiến kẻ địch có cơ hội lợi dụng. Cố Phù Châu trấn giữ biên cương Tây Bắc bao năm nay đã thắng vô số trận. Chỉ riêng danh tiếng của y cũng đủ uy hiếp quân địch phần nào. Nếu Cố Phù Châu không còn ở Tây Bắc thì quân Tây Hạ sẽ thừa cơ công thành nhổ trại. Để Triệu Minh Uy trấn giữ liệu có giữ nổi không.

Hoàng đế vẫn chưa quyết định dứt khoát, sớ từ quan của Cố Phù Châu từ năm ngày một sớ thành ba ngày một sớ, gần đây hầu như ngày nào cũng có sớ. Cùng lúc đó, sớ vạch tội y của Triệu Minh Uy từ năm ngày một sớ thành mười ngày một sớ rồi dứt hẳn, thậm chí còn dâng sớ nói: Tuy tướng quân rất lười nhưng có thể dẫn dắt quân ta đánh thắng nhiều trận. Vậy khỏi cần truy cứu nữa.

Trong lúc người đưa tin liều mạng bôn ba giữa kinh thành và Ung Lương, quân Tây Hạ cũng không nhàn rỗi mà công thành ba lần một tháng. Ngày nào Hoàng đế chưa chuẩn tấu thì Cố Phù Châu vẫn là đại tướng quân Chinh Tây ngày đó. Mỗi lần quân địch tấn công, y luôn than trời trách đất hồi lâu mới bất đắc dĩ xuống giường đứng trước bản đồ bày mưu tính kế giành chiến thắng.

Gì cơ, Thánh thượng hỏi tại sao Cố đại tướng quân không đích thân ra trận giết địch ấy à? Tuyệt đối không thể đâu. Cây thương Thanh Vân Cửu Châu mà Hoàng đế ban cho đã nằm phủ bụi trong xó từ lâu, ngựa quý Hãn Huyết trăm năm hiếm có cũng bị y nuôi béo ú, còn đặt cho một cái tên khó nghe.

Điều khiến người ta khó hiểu là lần nào Cố Phù Châu cũng có thể lãnh đạo bọn họ đánh thắng. Chẳng những thắng mà còn thắng đẹp là đằng khác. Thậm chí có lần Cố Phù Châu vừa chỉ huy giữ thành vừa điều một đội quân tinh nhuệ, thừa dịp quân địch dốc hết toàn lực tấn công đã đánh lén thành trì cất giữ quân lương của chúng, chẳng ai rõ làm sao Cố Phù Châu biết được quân lương của địch cất giữ ở thành nhỏ chỉ cách Ung Lương một ngày đi ngựa. Tóm lại quân địch đang công thành nửa chừng thì hậu phương báo tin quân lương bị trộm. Bọn chúng muốn tiến không được mà muốn lùi cũng không xong, cuối cùng đành mất cả chì lẫn chài.

Đây là lần đầu tiên Cố Phù Châu chủ động xuất kích sau khi thanh lọc hết độc còn sót lại. Mọi người cứ tưởng y đổi tính, Cố đại tướng quân đức cao vọng trọng dậy sớm ngủ muộn của bọn họ sắp quay về. Ai ngờ Cố Phù Châu chỉ siêng được đúng một ngày, sau khi chiến thắng thì buông một câu "mọi người nghỉ ngơi hai ngày rồi tính tiếp", sau đó lại nằm ườn trong lều hai ngày.

Các tướng lĩnh vừa bối rối vừa đau lòng nhức óc nhưng lại không thể không tâm phục khẩu phục. Bất luận thế nào thì đối với các tướng sĩ ra trận, có thể đánh thắng và giảm bớt thương vong cho các huynh đệ mới là quan trọng nhất. Lúc này Triệu Minh Uy lại dâng sớ nói: Thôi thôi, chúng thần không muốn vạch tội, bệ hạ cũng đừng truy cứu nữa ạ.

Nào ngờ sau khi Cố Phù Châu biết được việc này lại đến tìm hắn trịnh trọng nói: "Ngươi đừng bỏ cuộc giữa chừng vậy chứ Triệu tướng quân. Một trăm dặm ngươi đã đi được hơn chín mươi, biết đâu ngươi dâng thêm một sớ nữa là có thể vạch tội thành công đấy."

Triệu Minh Uy ngượng ngùng nói: "Đại tướng quân đã lãnh đạo bọn ta thắng nhiều lần như vậy, tuy cách thắng khác xa trước kia nhưng chỉ cần thắng là được, chúng ta cũng chẳng đòi hỏi gì hơn."

Cố Phù Châu nhìn hắn với vẻ trách cứ, chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: "Ngươi thật chẳng có tiền đồ gì cả. Chẳng lẽ ngươi không muốn đạp ta xuống để mình lên thay à?"

Triệu Minh Uy thở dài chắp tay nói: "Cố đại tướng quân tài trí hơn người khiến mạt tướng tự ti. Chức đại tướng quân này vẫn nên để ngài làm đi."

Cố Phù Châu suýt ói máu: "Các ngươi...... không thể...... đối với ta...... như vậy được."

Tin chiến thắng truyền về kinh, Hoàng đế kiên quyết bác bỏ sớ từ quan của Cố Phù Châu. Đừng thấy Cố Phù Châu cứ mở miệng là không chịu đánh giặc mà chỉ đòi về kinh dưỡng già, nếu thật sự bắt y ra chiến trường thì y có thể đánh thắng trận cho mọi người xem. Nếu vậy cứ để y ở Ung Lương tiếp đi. Hoàng đế còn hạ chỉ cho Lâm viện phán đi theo bảo đảm an toàn cho đại tướng quân, nhân tiện tìm hiểu nguyên nhân làm y đổi tính.

Cứ thế Cố Phù Châu vừa miễn cưỡng đánh giặc vừa tiếp tục xin Hoàng đế cho từ quan. Một nửa sớ trên long án Hoàng đế là của y, đến khi không nhịn được nữa mới triệu tập chúng thần ở điện Cần Chính để bàn việc này.

Trước cơn thịnh nộ của thiên tử, đám người câm như hến, chẳng ai dám rước xui xẻo này.

Hoàng đế trừng mắt lạnh giọng: "Trẫm đã bác bỏ sớ của Cố Phù Châu nhưng y cứ nói mãi một chuyện với trẫm. Thật ngông cuồng, thật sự cho rằng trẫm không dám động đến y sao!"

Chúng thần âm thầm kêu khổ không ngừng. Chiến sự Tây Bắc đang ác liệt, quả thật bây giờ không nên động đến Cố Phù Châu nhưng đâu ai to gan dám nói thật với Hoàng thượng.

Cuối cùng Thái tử đành ra mặt. Tiêu Tranh nhặt sớ vương vãi dưới đất xếp lại ngay ngắn rồi để lên bàn: "Phụ hoàng bớt giận. Nhi thần nghĩ nếu Cố Phù Châu có thể thắng thì vẫn nên để y ở Ung Lương mới thỏa đáng. Giờ là lúc cần dùng người, người có thể dùng đương nhiên phải trọng dụng rồi ạ."

Hoàng đế đập bàn: "Y chỉ một lòng muốn về thì làm sao thay trẫm bảo vệ tốt Tây Bắc chứ!"

"Vậy chờ y thua rồi thay người cũng chưa muộn ạ."

Chúng thần trao đổi ánh mắt sâu xa với nhau. Binh bộ Thượng thư nói: "Nếu Cố đại tướng quân không được về thì có khi nào cố ý thua quân địch không ạ?"

Tiêu Tranh nhếch môi cười: "Nếu y cố tình thua trận để mất thành trì, khiến tướng sĩ dưới trướng thương vong nặng nề thì sao còn chỗ đứng trong quân chứ? Đến lúc đó phụ hoàng muốn thu lại binh quyền của y, các võ tướng còn ai lên tiếng thay y nữa."

Hoàng đế chậm rãi ngồi xuống ngai vàng: "Đó cũng là một cách."

"Hơn nữa Cố Phù Châu nóng lòng muốn về kinh như vậy chắc không chỉ đơn giản là muốn dưỡng già đâu ạ." Tiêu Tranh nói, "Nhi thần khẩn cầu phụ hoàng phái Thiên Cơ Doanh điều tra rõ nguyên nhân."

Hoàng đế nhẹ nhõm xoa thái dương nói: "Việc này cứ giao cho Thái tử đi."

Tiêu Tranh lo lắng hỏi: "Long thể phụ hoàng không khỏe ạ?"

Hoàng đế nhắm mắt đáp: "Bệnh cũ thôi, không sao đâu."

Đám người đồng thanh: "Xin bệ hạ bảo trọng long thể."

Hoàng đế xua tay ra hiệu cho bọn họ lui ra. Tiêu Tranh ra ngoài điện Cần Chính gọi Tiết Anh, "Dạo này phụ hoàng hay đau đầu lắm à?"

Tiết Anh đáp: "Cũng không hẳn, bệ hạ chỉ lo cho chiến sự Tây Bắc thôi ạ."

"Vậy gọi Chử Chính Đức đến xem cho phụ hoàng đi."

Tiết Anh nói: "Nô tài sẽ sai người đi ngay."

Chử Chính Đức là phó viện phán của Thái y viện, đã sáu mươi lăm tuổi, tuy là người lão làng nhất Thái y viện nhưng vẫn luôn dưới trướng Lâm viện phán, giữ chức phó viện phán hơn mười năm nay.

Y thuật cũng có nhiều phái như thơ từ kiếm pháp. Chử Chính Đức và Lâm viện phán thuộc phái khác nhau nên bất đồng chính kiến đã lâu, khó tránh khỏi bằng mặt mà không bằng lòng. Vì vậy ông ta cũng chẳng ưa gì con trai Lâm viện phán.

Sau khi Lâm Thanh Vũ đến Thái y viện, Hồ Cát dẫn hắn đi gặp các tiền bối đồng liêu. Dù người khác nghĩ về hắn thế nào thì ngoài mặt vẫn đon đả niềm nở, chỉ có mình Chử Chính Đức vừa gặp đã nói ngay: "Ngươi là tên oắt con viết đơn thuốc chữa bệnh dịch kia đấy à?"

Lâm Thanh Vũ nói: "Vâng."

Chử Chính Đức vuốt râu lắc đầu thở dài: "Người khác muốn vào Thái y viện phải học hành gian khổ mấy chục năm rồi tham gia kỳ thi một chọi một ngàn của Thái y thự, sau đó phải thực tập ở Thái y thự ít nhất ba năm. Ngươi thì giỏi rồi, một nam thê vừa góa chồng, nhờ một đơn thuốc chẳng rõ thật giả, cũng không dự thi, chưa đầy nhược quán đã được vào Thái y viện...... Thời buổi này đúng là loạn thật rồi."

Hồ Cát nói: "Chử thái y nói thế sai rồi. Từ xưa anh hùng xuất thiếu niên, khi Lâm viện phán vào Thái y viện cũng chỉ mới hai mươi. Huống hồ đơn thuốc của Lâm thái y cũng chẳng phải không rõ thật giả mà thật sự có tác dụng với bệnh dịch đấy chứ."

Chử Chính Đức cười lạnh: "Cái gì cũng phải từ từ, càng có hiệu quả càng đáng lo. Ta chỉ sợ đơn thuốc của Lâm thái y chữa được bệnh dịch nhưng lại mang đến không ít mầm bệnh khác thôi."

Lâm Thanh Vũ nói: "Điều kiện tiên quyết để có mầm bệnh là người bệnh còn sống."

Chử Chính Đức sầm mặt, đang định cãi lại thì bị Tiểu Tùng Tử ở điện Cần Chính gọi đi. Hồ Cát nói: "Chử thái y là vậy đấy, ngươi đừng để bụng nhé."

Lâm Thanh Vũ gật đầu: "Dù sao làm phó viện phán mười năm rồi, cũng dễ hiểu mà."

Trước kia hắn từng nghe phụ thân mình nhắc tới Chử Chính Đức. Lâm phụ đánh giá cao y thuật của Chử Chính Đức nên cũng nghĩ xét theo trình độ chuyên môn thì Chử Chính Đức phải làm viện phán. Nhưng mười năm trước Chử Chính Đức phụng mệnh giữ thai cho một sủng phi. Dòng dõi của Hoàng đế ít ỏi, lại sủng ái nữ tử mang thai nên cực kỳ xem trọng cái thai này. Ai ngờ sủng phi được Chử Chính Đức chăm sóc kỹ càng vẫn bị sảy thai. Chử Chính Đức bị gán tội không làm tròn trách nhiệm nên dù y thuật có cao minh thế nào cũng chỉ mãi làm phó viện phán.

Cảm xúc của Chử Chính Đức đều hiện rõ trên mặt nên chẳng có gì phải để ý. Trái lại những đồng liêu ngoài mặt tươi cười với hắn mới cần dè chừng.

Lâm Thanh Vũ mới đến nên hôm nay cũng xem như rảnh rỗi. Sau khi hết ca trực ở Thái y viện, hắn từ cửa Bắc ra khỏi cung rồi đi vào Thái y thự, đến thẳng Tàng Thư Lâu.

Đêm đã khuya nên trong Tàng Thư Lâu chẳng có ai ngoài hai thị vệ gác cửa. Vì Hoàng đế đã cho phép Lâm Thanh Vũ tự do ra vào Thái y thự, dù đã đến giờ cấm đi lại ban đêm nhưng thị vệ vẫn mở cửa rồi đưa đèn lồng cho hắn: "Lâm thái y có gì sai bảo cứ gọi chúng ta nhé."

Lâm Thanh Vũ đẩy cửa vào, trước mặt là một dãy kệ sách hai tầng nhìn không thấy điểm cuối. Nghe đồn muốn đọc hết sách thuốc trong Tàng Thư Lâu của Thái y thự phải mất hơn mười năm. Lâm Thanh Vũ cầm đèn lồng, chỉ dạo quanh hai vòng đã tìm được mấy quyển sách dân gian thất truyền từ thời tiền triều.

Cuối Tàng Thư Lâu có một cánh cửa sắt bị khóa, hẳn là bên trong cất giữ ghi chép mạch chứng mấy trăm năm của hoàng thất Đại Du từ khi lập triều. Đối diện Tàng Thư Lâu là Thiên Thảo Đường, muốn tìm kỳ trân dị thảo thì cứ tới đó.

Đây là Thái y thự quy tụ những thành tựu y học khắp thiên hạ.

Lâm Thanh Vũ ở Tàng Thư Lâu một canh giờ, khi ra ngoài đã là canh bốn sáng. Hắn nhớ mình còn một vị thuốc tìm khắp kinh thành vẫn chưa có nên đến Thiên Thảo Đường một chuyến.

Vừa vào cửa đã thấy một người từ trong sảnh cắm cúi đi ra. Người này chắc hẳn không phải học sinh Thái y thự nhưng nhìn bộ dạng thong dong cũng không giống kẻ trộm.

Người kia phát hiện ra hắn thì trầm giọng hỏi: "Ai đó?"

Lâm Thanh Vũ cảm thấy giọng nói này khá quen. Hắn vừa ngửi được mùi máu tanh nồng thì biết ngay người này đang bị thương nặng. "Thái y của Thái y viện, Lâm Thanh Vũ."

Người kia chợt khựng lại.

Lâm Thanh Vũ đưa đèn lồng về phía hắn, điều đầu tiên nhìn thấy là áo đen ướt đẫm máu và một thanh đao nhuốm máu.

Sau khi thấy rõ mặt người kia, trong lòng Lâm Thanh Vũ khẽ động: "Là ngươi à."

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Com