ZingTruyen.Info

CỐ NIÊN HOA

CHƯƠNG 3: AI XUÔI VẠN LÝ

PhuongUyen286

Suốt một tháng ròng, tôi một mình đi từ Yên Bang lên Hồng Lộ rồi lại từ Hồng Lộ về Thăng Long, đến hôm nay chen chúc trong lễ hội này mỏi mắt kiếm tìm cũng chỉ vì muốn gặp lại người. Thế mà khi người ấy đứng trước mặt rồi, tôi lại cố tỏ ra bình thản như thể lần cuối gặp nhau là mới hôm qua.

Người ấy không hề thay đổi, vẫn đôi mắt đen trầm tĩnh sâu thẳm như lòng giếng, vẫn nụ cười nửa chân thành nửa như trêu chọc, vẫn xem tôi là một đứa trẻ còn mê ăn mê ngủ, chẳng hề biết rằng tôi vẫn luôn cố gắng để trưởng thành.

"Đói bụng rồi, phải không?!"

Từ khi người hỏi câu ấy đến giờ, tôi vẫn đứng chôn chân, giữ nguyên nụ cười gượng gạo, không biết phải nói gì mới đúng.

Sáng nay tôi khởi hành rất sớm, vừa vào ngõ làng Bưởi đã chạy ngay đến hội thề nên quả thật chưa có gì vào bụng. Nhưng mà sau hơn một năm không gặp, câu đầu tiên có ai lại than đói bao giờ?!

Nếu tôi lại phụng phịu gật đầu, nhất định người ấy sẽ bật cười đắc ý. Sĩ diện bỗng nhiên trỗi lên, tôi nhanh nhảu lắc đầu nguầy nguậy:

- Không... Không đói!

Chẳng biết người có nhận ra ý tôi muốn phủ nhận hai lần hay không.

Bọn thư sinh đứng xung quanh đợi suốt từ nãy đến giờ đã bắt đầu sốt ruột, có kẻ lên tiếng giục:

- Mọi người vẫn đang mong câu đối trả của tiên sinh.

Ông đồ già đứng bên thư án cũng gật đầu cười hiền hậu.

Người mỉm cười không nói gì, chậm rãi lấy ra một túi tiền nhỏ đặt lên bàn, sau đó đưa mắt nhìn những người đang có mặt, cuối cùng ánh mắt dừng lại ở chỗ tôi:

- Đối không được là thua hết tiền ăn cơm đấy.

Nói rồi, người thong thả bước đến hàng chè xanh, ngồi xuống rót một bát đầy từ từ thưởng thức, để lại tôi một mình trước gian hàng câu đối và ánh mắt vừa tò mò vừa thách thức của đám văn nhân. Tôi nhìn theo bóng dáng người thư sinh chưa đầy ba mươi tuổi, trong lòng chợt mơ hồ xúc động.

Người mặc áo tím thêu chỉ vàng kia là Hưng Ninh Vương Trần Tung, con trai trưởng của Yên Sinh Vương Trần Liễu.

Người có dáng vẻ thanh nhã và đôi tay cầm bút đẹp đẽ tưởng như trói gà không chặt đó là An phủ sứ Hồng Lộ - viên tướng quân trấn giữ vùng đất phía đông Đại Việt hơn một năm nay.

Người vừa gặp lại đã muốn thử xem tôi tiến bộ đến chừng nào ấy, không ai khác hơn chính là người đã từng ngày nhìn tôi khôn lớn, dạy dỗ tôi từng chút một, là lão già yêu quý nhất đời tôi.

Lão vẫn luôn trái tính dở người như vậy.

Không muốn mất mặt trước bọn nho sĩ suốt ngày mở miệng ra là trọng nam khinh nữ, lại càng không muốn làm lão thất vọng, tôi nghiêm túc cầm câu đối lên xem:

"Trúc thanh, tùng thanh, chung khánh thanh, thanh thanh tự tại."[1]

Câu đối vang lên trong đầu thì mắt tôi như thấy được một vùng nước non xanh ngát của Yên Bang, tai tôi nghe rõ tiếng rì rào khi gió đưa mình qua những khóm trúc và tiếng chuông vang rền mỗi buổi chiều tà ở trang viện Dưỡng Chân.

Thảo nào mà lão già nhà tôi, người tuy trong lòng chẳng xem ai ra gì nhưng luôn thích tỏ ra khiêm tốn, lại có hứng thú với thử thách này.

Tôi nhìn sang hàng chè lão đang ngồi, bắt gặp ngay ánh mắt của lão. Tôi mỉm cười đầy tự tin rồi quay người lại, cầm bút lên chấm vào nghiên mực vài lần để kéo dài thời gian suy nghĩ.

Liền sau đó, tôi thoăn thoắt đưa bút lướt trên trang giấy đã bày sẵn, nét chữ hiện ra dưới bàn tay phải mạnh mẽ dứt khoát tựa rồng bay.

"Sơn sắc, thủy sắc, yên hà sắc, sắc sắc giai không."[2]

Tôi đặt bút xuống, không tiếc vì chưa có dịp cho mọi người thấy nét chữ dịu dàng như phượng múa khi tôi cầm bút bằng tay trái vì lão già từng nói, dù biết rõ bản thân tài năng trác tuyệt cũng phải luôn giữ thái độ khiêm nhường.

Ông đồ cầm câu đối lên xem:

- Màu non màu nước màu mây khói tuy bình yên đẹp đẽ nhưng tất cả đều là hư không.

Khi viết câu đối này, trong đầu tôi chợt nhớ lại một câu chuyện cũ.

Hơn ba năm trước, có một vị tăng đến Dưỡng Chân Trang tìm lão già để thỉnh giáo về Phật học khi tôi đang ngồi chép kinh ở chiếc bàn nhỏ đặt trong thư phòng của lão. Lúc vị tăng ấy ra về, lão gọi tôi lại gần:

- Phong, người lúc nãy đến đây để hỏi việc gì?

- Ngài ấy hỏi người: tại sao trong kinh lại nói "Không tức là sắc, sắc tức là không".

- Đáp án thế nào?

- Im lặng.

Câu trả lời của tôi không hề sai, vì lúc đó lão đã im lặng một hồi lâu, nhưng vị tăng kia vẫn chưa chịu hiểu ra ý lão: chúng ta nhận biết được sự im lặng không phải là bởi vì tai chúng ta không nghe được gì, mà bởi vì tai ta nghe được thứ âm thanh là im lặng.

- Còn gì nữa? – Lão vẫn muốn thử thách khả năng ghi nhớ của tôi.

Tôi nhanh nhẹn đọc lại bài kệ lão giảng khi nãy:

- "Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Tam thế Như Lai phương tiện lực.

Không bổn vô sắc, sắc vô không,

Thể tánh minh minh phi thất đắc."[3]

- Nhớ rất tốt. – Lão buông một câu khen ngợi hiếm hoi.

Tôi vênh mặt, ngoác miệng ra cười.

- Chép phạt không tập trung. Nghe lỏm người lớn nói chuyện. Chép thêm hai quyển nữa.

Khi lão đã không còn ở cạnh tôi, nghĩ lại chuyện cũ, tôi có không ít lần cảm thấy oán hận chất chồng. Nếu không phải vì lão lớn hơn tôi mười hai tuổi, nếu không phải tôi đang ở nhà của lão, ăn cơm của lão, tiêu tiền của lão, nếu không phải những thứ tôi biết là do lão dạy, hẳn là tôi đã không do dự mà cho lão một trận nhớ đời. Không đúng! Phải là vài trận nhớ đời, để lão bỏ cái vẻ tưng tửng quái gở thích hành hạ kẻ khác kia đi.

Vậy mà... sao tôi lại lặn lội đi tìm lão?!

Một giọng nói vang lên từ đám văn sĩ vây quanh:

- Hay. Đối rất chỉnh!

Ông đồ trịnh trọng đưa lại cho tôi túi bạc lúc nãy lão đặt trên bàn, tôi nhận lại đồng thời từ chối món tiền thưởng:

- Ta xin biếu lại để ông mua giấy mực.

Những lời tán tụng sau đó không làm tôi để tâm cho lắm, vì lão già nhà tôi đã rời khỏi hàng chè, vẫn như khi tôi còn nhỏ, đi rất thong thả để tôi kịp đuổi theo sau.

***

- Trừ đói bụng ra, đúng là trên đời không có gì làm khó được em. – Lão điềm nhiên gắp thức ăn vào chén.

- Dù không đối lại được, em vẫn có đủ tiền mời người ăn một bữa ngon mà. – Tôi cãi lại, không muốn thừa nhận động lực thật sự khiến tôi cố gắng là muốn làm cho lão tự hào.

- Dạo này em giàu vậy sao?!

- Hơn một năm qua, em không có tiêu tiền của chị cho... - Tôi bỏ lửng câu nói vì không muốn kể lể dài dòng.

Một buổi sáng tháng giêng năm ngoái, tôi thức dậy đã thấy một phong thư đặt trên bàn, lão già để tôi ở lại Yên Bang, âm thầm đến nhậm chức ở Hồng Lộ. Tôi vừa buồn vừa giận nhưng cố gắng để không rơi một giọt nước mắt nào, mà bắt đầu lập kế hoạch tìm hiểu đường đi và để dành tiền. Chuyến đi này của tôi tuy không gặp nguy hiểm hay khó khăn gì to lớn, nhưng tôi cũng đã dành ra rất nhiều công sức để chuẩn bị và vượt qua quãng đường xa đó.

- Sao em lại đi cùng Quang Khải?

Quang Khải... Đúng rồi, Quang Khải!

Thảo nào từ lúc rời khỏi đền Đồng Cổ đến bây giờ tôi cứ ngờ ngợ là mình đã quên một điều gì đó. Hóa ra vừa nhìn thấy lão già, tôi đã bỏ quên Quang Khải ở gánh rượu của bà lão, thậm chí lúc đi theo lão già về quán trọ này tôi cũng không tạm biệt hắn được một câu nào.

Tôi nhăn nhó, thở dài.

- Em quên chào cậu ta rồi!

- Em có nói cho cậu ta biết thân phận của mình không? – Lão đưa đĩa thịt nướng thơm phức lại trước mặt tôi.

- Em không nói. Cậu ta thậm chí còn không biết em và cậu ta cùng họ. Nhưng mà...

Lão nhướn mắt nhìn tôi.

- ... lúc nãy em vội vàng chạy đến trước mặt tiên sinh, còn khóc lóc nữa... chắc cậu ta ít nhiều cũng đoán ra được.

Lão không nói gì, thong thả gắp thức ăn.

- Cũng có thể cậu ta vội vã đi tìm cô đào hát của cậu ta, không có nhìn thấy...

Tôi lắp bắp một hồi rồi lại thở dài, rõ ràng tôi không nên để Quang Khải ta biết được người tôi muốn tìm là Hưng Ninh Vương – anh họ của hắn ta.

- Cậu ta là người bạn đầu tiên của em... Là đồng đội, là bạn tù, còn là bằng hữu mới kết giao nữa...

- Em vào tù khi nào?! – Câu hỏi lạnh lùng của lão khiến tôi suýt nghẹn, tôi lại kể điều không nên kể.

- Do hiểu lầm thôi, sau đó em lại được thả ra ngay. – Tôi cố cười thật tươi tỉnh.

Lão thở dài một tiếng, lại đẩy mấy đĩa thức ăn về gần phía tôi hơn.

- Ăn no rồi lên phòng tắm rửa nghỉ ngơi, sáng mai lên đường về nhà.

Tôi vội vã buông đũa, chạy đến đứng chặn trước mặt lão, khóe mắt ửng đỏ. Vốn định sẽ khóc lóc kể khổ, nào là bị ngã ngựa trầy hết chân tay, nào là có hôm phải dầm mưa, có hôm phải chịu đói, có hôm phải ngủ trong tù..., không ngờ cuối cùng chỉ nói được một câu:

- Tiên sinh, người muốn đuổi em về Yên Bang thật sao?!

Có chút xót xa hiện lên trong mắt lão. Lão nhìn lướt xuống tay chân tôi, sau đó cười cười, cây quạt cầm trên tay lại gõ vào đầu tôi một cái:

- Ta là An phủ sứ, không thể đi khỏi Hồng Lộ quá lâu.

Tôi ngớ người một lúc, lập tức hiểu ra, nói với theo bóng người vừa đi lên cầu thang:

- Dạ!

Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ mong trời sáng. Mặt trời vừa ló dạng, tôi đã đến phòng lão gõ cửa, không ngờ lão đã trang phục chỉnh tề, ngồi đọc sách bên cửa sổ. Ánh nắng sớm mai lấp lánh trên bộ y phục màu lam quen thuộc, rạng rỡ trên gương mặt lão mỉm cười trìu mến:

- Phong, về nhà thôi.

***

Chúng tôi mất khoảng năm ngày đi từ Thăng Long về Hồng Lộ. Dọc đường đi, tôi không quên năn nỉ lão ghé lại ăn những món mà lần trước vì vội nên tôi đã phải bỏ qua. Lão luôn bảo là phải tận dụng thời gian để quay về, nhưng rồi cũng ra lệnh cho phu xe vòng qua chỗ này một hồi, ghé lại chỗ kia một chút. Đến làng Bát Tràng ở Gia Lâm, tôi khăng khăng đòi vào xem, lão kiên quyết:

- Ở đấy chỉ có gốm thôi, không có đồ ăn, em vào làm gì?

- Em muốn mua một món tặng tiên sinh mà. – Tôi bày ra bộ dạng tiu nghỉu.

- Ta uống hết bát chè là phải quay trở ra đấy. – Lão nhượng bộ.

- Dạ.

Tôi nhanh nhảu cúi đầu chào rồi chạy đi, được vài bước, tôi liền quay lại.

- Sao vậy? Đổi ý không muốn mua tặng ta nữa sao?

- Tặng chứ! Nhưng lần trước em cứu người nên... hết tiền rồi. – Tôi vừa than thở vừa xòe tay ra.

Lão phì cười, đặt vào tay tôi một túi tiền.

Lựa chọn mất một lúc khá lâu, tôi cũng chọn được một bộ ấm chén men trắng có hình hoa sen và sóng nước được vẽ bằng màu lam[4] mang về. Năm nào Dưỡng Chân Trang cũng nhận được rất nhiều lễ vật là đồ gốm, nhưng món quà tự tay tôi mua tặng hẳn là phải có ý nghĩa đặc biệt hơn. Dù rằng... món quà ấy tôi mua tặng lão bằng tiền của lão.

***

Khi thức dậy vào buổi sáng ngày thứ sáu, tôi nhận ra mình đang ở trong một căn phòng bày trí y hệt như căn phòng ở Yên Bang. Trong tủ, y phục đã được chuẩn bị sẵn, phần lớn là màu trắng ưa thích của tôi. Còn có một bộ áo lam[5] vạt chéo thêu hình mộc lan, hệt như bộ mà tôi vẫn mặc mỗi khi vào Dưỡng Chân Trang chép phạt.

Tôi ngắm nghía bộ áo lam một lúc lâu, không kìm được lại ôm nó vào lòng, thấy mắt mình ươn ướt.

- Nhã Phong, cháu dậy rồi à?! – Sau lưng tôi vang lên giọng nói ồm ồm quen thuộc.

- Bác Dương! – Tôi vui mừng quay lại nhìn người vú nuôi đã chăm sóc lão già nhà tôi từ lúc nhỏ. – Lâu ngày không gặp trông bác trẻ ra nhiều, cháu không nhận ra đấy!

- Con bé này...! – Bác Dương phì cười, bưng mâm thức ăn đến đặt trên chiếc bàn lớn giữa phòng. – Cậu cả ra ngoài từ sớm rồi, dặn cháu ngoan ngoãn ở nhà, đừng đi lung tung kẻo lạc.

Tôi cười toe toét rồi nhanh chóng thưởng thức bữa sáng thơm ngon, không quên nịnh nọt vài câu:

- Mặc kệ lão. Có món ngon bác Dương nấu là cháu vui cả ngày rồi.

Ăn sáng xong, tôi đi một vòng phủ An phủ sứ tham quan. Bao quanh khoảng sân rộng lớn là một cổng lớn và ba dãy nhà dài. Trong sân có hồ sen và vài cây cổ thụ, còn có một cây mộc lan nho nhỏ, dường như mới được trồng không lâu lắm.

Trong phủ chỉ có một vài gia nhân. Tôi hỏi thăm một người thì biết thư phòng của lão nằm ở giữa dãy nhà chính, cạnh căn phòng đối diện cổng vào. Tôi dợn mở cửa, người nô bộc đã vội vã ngăn lại:

- Tiểu thư, không ai được vào thư phòng của An phủ sứ!

Tôi nhìn gương mặt lo lắng của anh ta mà không khỏi cảm thương. Lão già nhà tôi nổi tiếng là vừa gần gũi vừa nghiêm khắc với kẻ dưới, nô bộc ở Yên Bang tuy rất mến chủ nhưng cũng chưa từng dám coi thường kỷ luật, chẳng trách...

- Nhã Phong, cháu cứ vào đi.

- Bác Dương! – Người nô bộc trẻ thảng thốt kêu.

Tôi gật đầu, nhanh chóng mở cửa bước vào:

- Cháu cảm ơn bác Dương!

Khi khép cửa lại, tôi còn kịp nghe lời người vú già dặn dò anh nô bộc chỉ vừa theo hầu chủ nhân được một năm:

- Tiểu thư Nhã Phong là ngoại lệ cho tất cả quy định của An phủ sứ, cậu phải nhớ điều này.

Căn phòng này cũng không khác gì so với căn phòng ở Dưỡng Chân Trang. Ngoài một chiếc bàn lớn để lão làm việc và đọc sách, ở góc bên kia phòng còn có một chiếc bàn con con. Tôi bước đến gần xem, thấy lớp bụi bám trên chiếc bàn lớn thậm chí còn dày hơn chiếc bàn nhỏ này.

Tôi dùng chiếc chổi lông phủi sạch bụi bám trên bàn và kệ sách, chép thêm vài câu kệ mà lão thích treo lên các bức vách, tiện tay vẽ thêm vài bức tranh, đến khi xong việc thì mặt trời đã khuất.

- Lại thành phòng của trẻ con rồi. – Lão vừa về đến đã than phiền.

- Trông đẹp hơn mà. – Tôi bướng bỉnh.

Lão bước đến chiếc bàn dài, ung dung ngồi xuống, tay gõ gõ nhẹ trên bàn. Tôi đã pha sẵn một bình trà đợi lão về nên lập tức rót cho lão một chén đầy. Lão vừa uống trà vừa đưa mắt nhìn khắp phòng, chỉ cười cười mà chẳng nói gì thêm.

- Nhưng vẫn còn thiếu một thứ. – Tôi giả vờ nhăn nhó.

- Ngăn thứ ba từ ngoài đếm vào, kệ trên cùng. – Lão đáp.

Tôi liền chạy đến tìm, quả nhiên ở đó có một bức tranh mộc lan do chính tay lão vẽ.

Rất lâu trước đây, có lần tôi hỏi trong số những loài hoa kính Phật, lão thích nhất hoa nào. Lão nghĩ một lúc rồi trả lời là mộc lan. Thế là ngày nào tôi cũng hái rất một vài đóa mộc lan thả vào bát nước mang đặt trên bàn lão. Hái đến khi cây mộc lan trong vườn không kịp nở hoa cho tôi hái, tôi buồn bã mất mấy ngày. Khi ấy, lão đã vẽ một bức tranh y hệt bức tranh này treo ở trên tường, bảo rằng như vậy là ngày nào chúng tôi cũng có thể vừa ngồi đọc sách vừa ngắm mộc lan, không sợ cây ra hoa không kịp nữa.

- Người đã vẽ rồi sao không chịu treo lên? – Tôi vừa đi loanh quanh tìm chỗ treo vừa thắc mắc.

- Ở Hồng Lộ này không có ai nằng nặc đòi ngắm hoa mới chịu đọc sách nên không cần thiết phải treo. – Lão giữ giọng nói lạnh nhạt quen thuộc.

Tôi không nói lại nữa vì đã tìm thấy được một vị trí vừa ý, để từ hướng bàn của lão lẫn của tôi đều có thể nhìn rõ được.

Ngắm nghía một lúc, tôi lại sực nhớ một việc nên chạy ào về phòng, lục tung túi hành lý mới tìm được một phong thư màu đỏ, tôi mang đến đưa trước mặt lão:

- Gì đây? – Lão ngạc nhiên.

- Tiền mừng tuổi người gửi về Yên Bang hôm Tết. – Tôi ngập ngừng. – Em chưa từng mở ra đâu.

Từ ngày lão rời đi, đều đặn một tháng sẽ gửi về một phong thư, trong đó có một lá thư dặn dò công việc gửi cho chị, lá thư còn lại gửi cho tôi. Tôi sẽ hồi âm bằng những câu chuyện vụn vặt trong suốt một tháng qua, gửi lại kèm với thư của chị báo cáo tình hình. Tôi đã tính toán để bỏ nhà đi Hồng Lộ ngay sau khi hồi âm lá thư của lão, nghĩa là tôi có vỏn vẹn một tháng trước khi lão gửi lá thư tiếp theo và nhận ra tôi đã không còn ở Yên Bang. Còn vì sao tôi lại quyết định đi vào lúc ấy, là bởi vì tháng trước đó tôi đã nhận phong bao lì xì này của lão. Gần mười năm qua, đây là năm đầu tiên tôi đón giao thừa không có lão.

- Năm nay lớn rồi, không nhận tiền lì xì nữa phải không? – Lão cười cười trêu chọc.

- Không phải. Em... muốn chính miệng chúc Tết người. – Tôi ấp úng mãi mới nói được những chữ cuối cùng.

Lão phì cười, cầm lại phong bao:

- Tết đã qua lâu rồi ai lại nhận lì xì, sẽ bị xui xẻo đấy.

Mặt tôi liền xịu xuống.

- Cũng sắp đến Tết giữa năm[6]. – Lần này lão gõ đầu tôi bằng phong bì đỏ đang cầm.

Vẻ hớn hở lại về với tôi.

Hôm ấy, chúng tôi ăn một bữa cơm rất ngon lành do bác Dương chuẩn bị. Cuối cùng sau hơn một tháng lang bạt, tôi đã trở về nhà, mà ngôi nhà ấy không hẳn là một căn nhà nào cụ thể ở Yên Bang hay Hồng Lộ.


[1] Câu này nghĩa là: Âm thanh của trúc, âm thanh của tùng, âm thanh của chuông khánh, tất cả âm thanh đều tự tại.

[2] Câu này nghĩa là: Màu của núi, màu của nước, màu của mây khói, tất cả đều là hư không.

[3] Dịch thơ:

"Sắc tức không, không tức sắc

Ba đời Như Lai phương tiện đặt

Không vốn không sắc, sắc không không

Thể tánh sáng ngời không được mất."

[4] Vào thời Trần, làng Bát Tràng chuyên sản xuất gốm sắc trắng và cũng là nơi xuất hiện loại gốm vẽ hoa lam.

[5] Y phục của Phật tử.

[6] Tết Đoan ngọ, mồng năm tháng năm âm lịch.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info